Trong kỳ thi Đại học - Cao đẳng 2011 vừa qua, theo thống kê chưa đầy đủ, điểm thi môn Lịch sử ở hầu hết các trường thấp đáng lo ngại, tỷ lệ thí sinh đạt điểm thi môn Sử từ trung bình trở lên chỉ chiếm từ 0,3-5%. Đây là con số đáng báo động bởi theo nhiều trường, chưa năm nào điểm thi môn Sử lại thấp như thế.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc về hiện tượng này.

PV: Thưa Giáo sư, đã có rất nhiều ý kiến về hàng ngàn điểm 0 môn Sử trong kỳ thi Đại học vừa qua. Đứng ở góc độ một nhà sử học, Giáo sư đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Giáo sư Dương Trung Quốc: Thực ra đây không phải là điều gì mới mẻ. Theo quan sát của tôi, nó đã được đặt ra từ hơn một thập kỷ qua, và thỉnh thoảng lại rộ lên khi xảy ra hiện tượng này, sự nhầm lẫn kia, và đặc biệt là qua các cuộc thi.

Vấn đề đặt ra là hiểu biết về lịch sử trên mặt bằng xã hội có phần không như chúng ta mong muốn. Đây là điều có thật. Nó vừa phản ánh những thay đổi to lớn của xã hội, phản ánh phần nào đó tâm thế của con người và có những vấn đề liên quan đến chính giới sử học của chúng tôi.

Sử học là vấn đề liên quan đến nhận thức về quá khứ. Quốc gia nào, dân tộc nào cũng coi trọng lịch sử của mình. Lịch sử mà chúng ta giới thiệu với người dân hiện nay có dòng sử tạm gọi là chính thống (những bộ sử do cơ quan Nhà nước soạn thảo), và có cả những dòng sử lưu truyền trong dân (dã sử). Đối với dòng sử chính thống, đương nhiên yếu tố chính trị sẽ có tác động tới lịch sử. Chúng ta không nên ảo tưởng có một nền sử học nào khách quan tuyệt đối, mà chúng ta chỉ cố gắng tiếp cận với sự thật, nhân tố tạo nên giá trị lịch sử đó.

Lịch sử với tính chính thống của nó luôn tác động vào đời sống xã hội. Vấn đề là chúng ta giải quyết hài hoà mối quan hệ đó như thế nào. Vấn đề thứ hai là cách ứng xử với lịch sử của chúng ta. Chúng ta hay nói, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Đúng là với một quốc gia do hoàn cảnh lịch sử, có hệ luỵ chiến tranh, chúng ta phải hướng tới hoà bình, hữu nghị, nhưng không phải bằng cách là chúng ta quên đi, quay lưng lại. Mà nguyên lý quan trọng nhất là chúng ta phải nhận thức cho đúng quá khứ thì chúng ta mới định đoạt được tương lai.

Trở lại vấn đề lịch sử với đời sống xã hội. Các bạn trẻ bây giờ khi định hướng cho mình, từ việc tìm nghề mưu sinh đến các thú vui giải trí, đương nhiên các bạn phải lựa chọn cái gì thiết thực nhất. Lịch sử là một cái gì đó xa vời lắm. Tôi có nói vui với một số người là có ai trả lương 3.000 USD cho người học Sử không? Nếu có thì chắc chắn sẽ có người ta học Sử. Cũng như bây giờ người nào biết Tin học thì được tuyển dụng nên người ta học Tin học. Những chuyện đó là bình thường trong đời sống.

Với hiện tượng mà chúng ta đang bàn đến là hàng ngàn điểm 0 môn Sử, theo tôi, việc đầu tiên là chúng ta phải khắc phục ngay trong nhà trường. Nhà trường gồm có học trò, các phương tiện giáo dục và đội ngũ giáo viên. Cả 3 yếu tố này đều cần phải có sự thay đổi.

duong-trung-quoc.jpg

Giáo sư Dương Trung Quốc (Ảnh: Ngọc Thành)

PV: Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, hiện tượng điểm thi Sử kém như vậy là vấn đề của thời đại. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Dương Trung Quốc: Thực ra tôi và anh Luận (Bộ trưởng Phạm Vũ Luận - PV) cũng đã có trao đổi với nhau về vấn đề này, cũng có chia sẻ một điểm chung là hiện tượng không quan tâm đến lịch sử trong nhà trường, hoặc hiểu biết về Sử hạn chế là vấn đề không phải chỉ ở riêng Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng có hiện tượng đó, ngay ở Mỹ cũng vậy thôi. Tuy nhiên, không có nghĩa là mình biết mà coi là bình thường, không quan tâm, mà phải tìm biện pháp khắc phục. Tôi thấy các nước, người ta khắc phục vấn đề này rất là mạnh mẽ khi xuất hiện những hiện tượng đó.

Cũng không thể nói là chúng ta không khắc phục. Tôi có theo dõi vấn đề này thì thấy, đã có rất nhiều Nhà xuất bản in những loại sách phổ biến kiến thức, tranh truyện, rồi phim hoạt hình, phim truyền hình… đều rất nỗ lực. Nhưng điều mà chúng ta cần bàn đến hiện nay là: hệ thống giá trị đối với sử học ở ngoài xã hội còn rất thấp, thứ hai là cái nhu cầu của giới trẻ, và cuối cùng là lỗi của người lớn đối với thế hệ trẻ. Các bạn có thể thấy, khi bộ sách của Đặng Thuỳ Trâm được phát hành, các bạn trẻ đã thể hiện rất rõ sự yêu mến lịch sử của mình. Điều đó được lý giải chính bởi tính “thực” của nó. Còn những cái mà chúng ta giao giảng nhiều, chưa chắc đã hấp dẫn giới trẻ.

Theo tôi, trong khoảng 10 năm nay khi xảy ra hiện tượng ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ giải quyết được vấn đề bên ngoài như in thêm sách… Còn cái quan trọng nhất là chương trình sách giáo khoa và đội ngũ giảng dạy thì hầu như chưa có tác động nào cơ bản cả. Tình trạng này kéo dài qua nhiều năm. Có thể sang năm nó không xảy ra vì có đề thi phù hợp, rồi sang năm nữa lại tiếp tục xảy ra. Tóm lại là mặt bằng chung không được cải thiện trên lĩnh vực giáo dục.

PV: Có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc tìm hiểu lịch sử không nhất thiết cứ phải trong sách giáo khoa, mà có rất nhiều cách khác như qua phim ảnh, truyền hình… Ý kiến của Giáo sư thì sao?

Giáo sư Dương Trung Quốc: Đó là tri thức lịch sử. Còn cái mà chúng ta đang bàn ở đây là cuộc thi thì phải theo sách giáo khoa, bởi các bạn có thể trả lời các câu hỏi rất hay nhưng nếu nó nằm ngoài chương trình thì các thầy có quyền cho điểm kém. Ở các nước người ta coi trọng nhất là xây dựng chương trình. Dạy cái gì và kiến thức chuẩn là cái gì? Còn sách giáo khoa chỉ là phương thức để đưa kiến thức vào cho các em, có thể rất là phong phú. Đương nhiên, sự  phong phú đó nằm trong sự kiểm soát. Họ có ít nhất 3 - 5 bộ sách giáo khoa, các thầy có thể lựa chọn bộ sách phù hợp với mình và hướng dẫn các em học sinh tiếp thu nó.

Tại diễn đàn Quốc hội, khi bàn về vấn đề giáo dục, có rất nhiều đại biểu đề cập đến phương pháp dạy trong sách giáo khoa hiện nay, không chỉ riêng môn Sử mà còn với một số ngành, đặc biệt là ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có sự thay đổi, bộ máy viết sách giáo khoa vẫn rất cơ học.

Theo tôi nghĩ, vấn đề ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo và cả Quốc hội trong khi xây dựng các luật, phải nhìn nhận lại những vấn đề rất cụ thể, tưởng chừng là kỹ thuật, nhưng nó lại có tác động rất lớn và mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục.

Xin cảm ơn Giáo sư!./.