Nhiều “điểm sáng” trong công tác mặt trận

Trong năm 2013, với sự cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động, công tác Mặt trận đã được triển khai nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhiều lĩnh vực có ý nghĩa thiết thực trong các tầng lớp nhân dân.

Mặt trận đã chủ động tổ chức các hội nghị nêu ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước giám sát những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc, như chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách về BHXH đối với người lao động ở trong doanh nghiệp… Đặc biệt, Mặt trận đã phối hợp giám sát việc xử lý vụ việc công ty cổ phần Nicotex ở Thanh Hóa chôn giấu thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường và kịp thời biểu dương, các cá nhân, tập thể đã phát hiện vụ việc.

Một trong những hoạt động nổi bật trong công tác mặt trận năm vừa qua là việc mặt trận các cấp đã đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, nhất là tham gia tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Công tác giám sát từng bước nâng cao về chất lượng. Các hoạt động khảo sát, tham vấn và phối hợp giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được đổi mới theo hướng phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia; phối hợp giám sát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động tiếp tục được duy trì và triển khai sâu rộng, hướng vào những vấn đề thiết thực với đời sống của các tầng lớp nhân dân…

ong-qe1.jpg
Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc của Mặt trận

Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc của Mặt trận cũng cho rằng, Mặt trận đã làm được nhiều việc, nhất là trong việc tập hợp, đoàn kết các dân tộc. Qua đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng là sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hay việc tổ chức Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể rõ ý sự đoàn kết của người dân, đây cũng là ý nguyện của lòng dân luôn mong muốn xích lại gần nhau.

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm tổng Thư ký nhận định, hiệu quả từ các mặt công tác của Mặt trận đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Vai trò giám sát của Mặt trận còn hạn chế

Ông Vũ Trọng Kim cũng thẳng thắn thừa nhận, Mặt trận vẫn chưa có nhiều hoạt động thu hút các tầng lớp nhân dân. Vai trò giám sát của Mặt trận còn hạn chế, nhất là giám sát việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí của công và các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ở nhiều địa phương, công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận chưa được thể hiện rõ, chưa có biện pháp phù hợp để thúc đẩy cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầy đủ các kiến nghị giám sát hoặc theo dõi các địa phương giải quyết kiến nghị giám sát.

Cùng với đó, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận dù có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc kiện toàn các chức danh chủ chốt tại Mặt trận ở một số địa phương chưa kịp thời, không đảm bảo về yêu cầu người trong Thường vụ hoặc cấp ủy làm Chủ tịch Mặt trận. Khả năng tham mưu của một số cán bộ ở cơ sở làm công tác mặt trận còn yếu, chưa sáng tạo trong vận động nhân dân.

Cùng với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên cán bộ Ủy ban Trong ương MTTQ Việt Nam đã chỉ ra hạn chế cán bộ Mặt trận cấp huyện và cơ sở, việc thường xuyên thay đổi về nhân sự làm ảnh hưởng đến công tác Mặt trận. Ông Vĩnh đề nghị, cần làm rõ hạn chế này vì cán bộ Mặt trận ở cơ sở mà liên tục thay đổi sẽ gây khó khăn trong lãnh đạo thực hiện ở cơ sở.

Đối với việc thực hiện giám sát và phản biện, theo Vĩnh  cũng cần lựa chọn nội dung để giám sát, phản biện cho phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, trong năm 2014, Mặt trận đặt vấn đề phối hợp với Hội nông dân Việt Nam giám sát vấn đề vật tư nông nghiệp giả là rất đúng và trúng. Bởi càng ngày, hàng giả, hàng nhập lậu càng hành hành gây không ít khó khăn cho nền kinh tế và người chịu nhiều ảnh hướng nhất vẫn là bà con nông dân.

Mặt trận phải làm cho dân tin

Theo ông Lù Văn Que, công tác mặt trận phải đi sâu nghiên cứu giải quyết các vấn đề một cách thiết thực, cụ thể tránh việc hô hào hình thức. “Mặt trận không chỉ nghe dân nói, nói cho dân nghe mà phải làm cho dân tin. Không chỉ vỗ tay mà phải ra tay dân mới yên và đoàn kết. Cùng với đó phải nghiên cứu các cuộc vận động cho phù hợp với tình hình mới. Có thể nghiên cứu có phong trào thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm để toàn dân tham gia hay phong trào “Toàn dân phòng chống tham nhũng lãng phí”- ông Que đề nghị.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 13, khóa 7 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhấn mạnh đến công tác mặt trận là “phải lắng nghe ý kiến của người dân và nói cho người dân nghe”.

Để làm được việc này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam năm 2014. Trước hết là phát huy sức mạnh tổng hợp của các phương tiện truyền thông của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và của Nhà nước để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông. Hình thành hệ thống thu thập ý kiến của nhân dân về tình hình đất nước và các địa phương, về kiến nghị các việc bức xúc cần phải giải quyết và các giải pháp lâu dài cần triển khai để phát triển đất nước.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc rà soát nội dung, tên gọi, cách triển khai các phong trào, cuộc vận động của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và các chương trình công tác của Chính phủ để các phong trào dễ nhớ, dễ làm và hiệu quả hơn. Đó là lồng ghép, phối hợp các chương trình hoạt động, đề án, phong trào, cuộc vận động của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và các chương trình, đề án của chính phủ và chính quyền địa phương để giảm sự chồng chéo, phức tạp trong tổ chức thực hiện, không gây quá tải cho tổ chức Mặt trận ở cơ sở, làm rõ trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và sản phẩm của công tác Mặt trận các cấp.

Mặt trận sẽ đề xuất và chủ động tham gia xây dựng một số đề án, chương trình của Chính phủ hoặc các tỉnh, thành phố để giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội. Cùng với đó, hoàn thiện bộ máy tổ chức, công tác thi đua, chính sách cán bộ Mặt trận các cấp để nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ Mặt trận và các yêu cầu nhiệm vụ mới mà Hiến pháp sửa đổi 2013 đã đặt ra./.