Sáng 12/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn lãnh đạo thành phố đi khảo sát thực tế, làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng về việc đảm bảo an ninh nước cho công trình quan trọng quốc gia này.

ong_dinh_la_thang_panc.jpg

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và ông Tất Thành Cang trao đổi trên ca nô. (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy nông lớn nhất nước ta với dung tích thiết kế 1,58 tỷ m3 nước; diện tích mặt nước là 270km2. Hiện nay, hồ Dầu Tiếng có khoảng 1 tỷ m3 cát xây dựng và nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, nuôi trồng thủy sản. Đây là nguồn cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, hồ Dầu Tiếng có vai trò quan trọng trong điều tiết nước, xả lũ chống ngập, giảm ngập mặn cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đơn vị quản lý hồ cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình này. Về quy trình vận hành, phải làm tốt khâu dự báo, đầu tư công nghệ mới cho các trạm quan trắc để dự báo chính xác và kịp thời hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay. 

"Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Công ty Khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng phải có quy chế, vận hành hồ trong tình hình mới. Thứ hai là phải căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của vùng để có điều chỉnh quy hoạch, đầu tư cho phù hợp. Đây là công trình quan trọng quốc gia nên cần đảm bảo an toàn tuyệt đối, đảm bảo an ninh quốc phòng và quản lý chặt chẽ quy trình vận hành, môi trường trên lòng hồ”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Về việc đảm bảo đủ nước phục vụ cho các nhà máy xử lý nước, ông Đinh La Thăng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cần nhanh chóng kêu gọi nhà đầu tư, dẫn nước trực tiếp từ hồ về bằng đường ống dài 50km, với kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đối với hơn 100 hộ dân di cư tự do từ Campuchia đến, đang sinh sống trên lòng hồ Dầu Tiếng, hàng ngày xả thải trực tiếp xuống hồ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cần đề xuất phương án di dời ngay, tránh để phát sinh thêm việc người dân đến đây sinh sống.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng dành nguồn kinh phí để thả cá giống xuống hồ để người dân có nguồn lợi thiết thực trong khai thác thủy sản./.