Vừa qua, tại Cà Mau, một doanh nghiệp đã đưa đàn ong Ý về gây nuôi tại rừng U Minh Hạ. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn vận chuyển mật ong ở các nơi khác về, lấy thương hiệu mật ong địa phương, bán ra với giá rẻ đã gây ảnh hưởng đến thương hiệu mật ong U Minh Hạ đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận cho huyện U Minh. Đến nay, câu chuyện này vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi doanh nghiệp nuôi ong khẳng định việc làm của họ là đúng thì nhiều người nuôi ong địa phương tỏ ra lo lắng, thực trạng trên sẽ làm ảnh hưởng tới đời sống của họ.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, trong rừng Quốc gia U Minh hạ, nghề gác kèo ong đã tồn tại hàng chục năm nay. Nếu như trước đây, cùng với nghề gác kèo ong người dân địa phương còn có thể khai thác thêm cá đồng để kiếm sống. Nhưng hiện nay, nguồn lợi từ cá đồng đang ngày càng suy giảm. Người dân vùng rừng tràm chỉ còn có thể trông chờ nghề gác kèo ong và đi làm thuê để đảm bảo cuộc sống trong khi chờ thu hoạch cây tràm.

vov_gac_keo_ong_u_minh_ha_nadi.jpg
Người hành nghề gác kèo ong tại Cà Mau đang lo ngại đời sống của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Gia đình anh Trần Công Văn (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) đã hành nghề gác kèo ong kiếm sống hơn chục năm nay. Theo anh Văn, hàng năm cứ vào tháng 10 (âm lịch) gia đình anh sẽ có nguồn thu mật ong từ tự nhiên khoảng trên dưới 10 triệu đồng/vụ. Đây chính là nguồn sống của gia đình anh, trong thời gian chờ cây tràm, cây keo lai đến kỳ thu hoạch.

Trước thông tin mật ong vùng khác tràn về vùng U Minh, thêm vào đó vấn đề phát triển nuôi ong ngoại đang được thực hiện tại địa phương. Anh Văn cho rằng, chất lượng của mật ong nuôi không thể bằng mật ong tự nhiên khai thác từ rừng, việc làm này sẽ làm giảm uy tín mật ong U Minh.

Còn ông Lê Văn Trường (ấp 2, xã Khánh An, huyện U Minh) cho biết: Mỗi mùa gác kèo ong, người dân đại phương có thể thu được vài chục lít mật. Với giá thành hơn 300 ngàn đồng/lít, đây là số tiền không nhỏ để giúp người dân bản địa trang trải cuộc sống. Mật ong vùng U Minh Hạ đã có thương hiệu và nổi tiếng cả nước, nếu đưa ong từ nơi khác về địa bàn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bà con nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vụ việc đưa ong Ý về gây nuôi tại địa phương, ông Dương Ngọc Lợi, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghệ Ubee cho biết: Việc gây nuôi ong tại địa phương không có gì là sai trái. Ông đưa ong về nuôi tại địa phương không chỉ nhằm lợi ích của riêng đơn vị, mà còn giúp phát triển kinh tế cho người dân.

Thương hiệu mật ong U Minh Hạ.
Theo đó, Công ty Ubee sẽ chuyển giao công nghệ, liên kết với người dân để tiến hành nuôi với quy mô lớn, nhằm mục đích phục vụ định hướng xuất khẩu mật ong trong thời gian tới. Ông Lợi khẳng định rằng, nếu cơ quan chức năng chứng minh được con ong Ý được gây nuôi tại địa phương gây hại hoặc sẽ gây ảnh hưởng tới tới đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia U Minh Hạ, trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ lập tức rút lui và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc mình làm.

"Cho đến thời điểm này, tất cả những gì chúng tôi lược khảo được, thì chưa có tài liệu chứng minh con ong gây hại, hoặc tác động ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Không biết, cơ quan chức năng có vấn đề gì chứng minh. Nếu gây hại cho cộng đồng và các thứ chúng tôi rút ngay. Thậm chí, những thiệt hại chưa xảy ra, nhưng nếu sẽ xảy ra chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm" - ông Lợi nói.

Tuy nhiên, việc lo ngại của người dân hành nghề gác kèo ong là chính đáng. Bởi bên cạnh ảnh hưởng đến thương hiệu mật ong U Minh nếu không được quản lý tốt thì việc đàn ong Ý nuôi theo dạng công nghiệp có thể cạnh tranh trong quá trình hút mật làm cho sản lượng mật ong bản địa sụt giảm.

Hiện tại, vụ việc đang được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ban ngành địa phương vào cuộc giải quyết. Dư luận đang trông chờ kết quả từ cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau. Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân địa phương./.