Dọc hai con đường Phạm Văn Đồng và Trần Phú chạy men bờ biển Nha Trang, chúng ta rất dễ bắt gặp hàng loạt cống nước thải với nhiều kích cỡ khác nhau đang đua nhau xả ra biển.
Chỉ riêng đoạn từ cầu vượt Nguyễn Đình Chiểu đến khu Ba Làng trên đường Phạm Văn Đồng dài hơn 1km đã có đến 4 cống xả. Có nơi, nước thải đọng thành hố nước sâu đen ngòm trên bãi biển.
Anh Trần Anh Tuấn, một người dân địa phương cho biết: “Bốn cái cống xả thải ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tôi đứng đây một lúc mà không chịu nổi mùi hôi thối của nước thải”.
Hiện nay, tại TP Nha Trang, trừ một số bệnh viện, khách sạn lớn có xử lý nước thải nội bộ, còn lại số nước thải của các hộ gia đình, các cơ sở vừa và nhỏ đều đổ ra biển.
Chất thải của các nhà sàn trên sông và các nhà máy chế biến thủy sản cũng đổ xuống các con sông rồi dồn về Vịnh Nha Trang.
Rãnh xả nước thải ra bờ biển ở công viên biển Thanh Niên |
Ông Nguyễn Văn Đàm - Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty Cấp thoát nước tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, đơn vị cũng chỉ gom nước đổ về sông để giảm bớt độ đậm đặc của nước thải. Ông Đàm nói: “TP hiện chưa có nhà máy xử lý nước thải nên đa số nước sinh hoạt và kinh doanh của các hộ dân là đổ thẳng ra biển. Hiện bức xúc nhất vẫn là hai cửa xả ở đường Đặng Tất và cầu Nguyễn Đình Chiểu”.
Từ năm 2007, TP Nha Trang được Ngân hàng Thế giới cho vay 77 triệu USD (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng) để thực hiện Đề án Vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do năng lực điều hành, quản lý, thi công hạn chế nên dự này đang chậm tiến độ.
Vừa qua, số vốn đầu tư được tăng 20%, lên hơn 90 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng, nhưng do giá cả vật tư tăng vọt nên cũng chỉ đủ để đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục ở phía Nam và trung tâm TP Nha Trang.
Các hạng mục dự kiến ở phía bắc thành phố, trong đó có hệ thống xử lý nước thải ra biển bao gồm nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm, tuyến cống gom nước thải, đều bị ngưng đầu tư.
Bà Lý Ngọc Dung, Giám đốc Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang thì cho biết: “Phần kinh phí tăng thêm cân đối lại chúng tôi chỉ đủ làm cho khu vực trung tâm. Còn khu vực phía Nam, phía Bắc sẽ xem xét sau”.
Trong khi đó, từ năm 2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quy định các tàu chở khách du lịch ra Vịnh Nha Trang phải có nhà vệ sinh có két kín, nhưng đến nay hầu hết tàu du lịch tại Nha Trang vẫn chưa trang bị.
TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Hải dương học của Việt Nam đánh giá, Vịnh Nha Trang ngày càng ô nhiễm, vi sinh vật hữu cơ tăng, tạo điều kiện cho một số loài rong biển như rong lục phát triển mạnh, tranh nguồn oxy của các loài thực vật khác, gây mất cân bằng sinh thái ven bờ. Quá nhiều chất hữu cơ cũng sẽ làm cho một số loài tảo nở hoa nhiều, có thể gây ra các bệnh về da liễu cho người tắm biển.
Vịnh Nha Trang, danh thắng quốc gia, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới đang bị nước thải đe dọa. Các cấp chính quyền TP Nha Trang, Khánh Hòa nên nghiêm túc và quyết liệt để thực hiện các biện pháp bảo vệ vịnh biển này trước khi quá muộn./.