ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng nhưng nhạy cảm trước các tác động. Đồng thời, với những sự tác động hết sức phức tạp của biến đổi khí hậu cũng như sự tác động của vấn đề khai thác nguồn nước đầu nguồn đã đặt ra cho chúng ta cần phải nhìn lại toàn bộ các giá trị những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây, cũng như toàn bộ hệ thống chính sách trong thời gian vừa qua đã triển khai, nhìn lại những kết quả đã đạt được, những sáng tạo, những kinh nghiệm cần tổng kết. Sau “Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã dành thời gian để trả lời những vấn đề mang tính sống còn của khu vực ĐBSCL.

hoi_nghi_khi_hau_icza.jpg
Bộ trưởng Bộ TN -MT Trần Hồng Hà tham gia chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26/9.

PV: Thưa Bộ trưởng, một trong những cốt lõi của Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu vừa kết thúc là việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Theo Bộ trưởng, từ việc nhận diện, đối mặt thì những quyết sách nào cần đặt ra cho tương lai đồng bằng?

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà:Việc khai thác nguồn tài nguyên nước ở thượng nguồn đặt ra khiến chúng ta cần nhìn nhận lại toàn bộ những giá trị, những nguồn tài nguyên, đặc điểm tự nhiên tại đây, cũng như toàn bộ hệ thống các chính sách mà trong thời gian qua chúng ta triển khai. Những kết quả đạt được, những sáng tạo, những kinh nghiệm chúng ta cần tổng kết; đồng thời những hạn chế, những vấn đề đòi hỏi phải có sự thay đổi từ quan điểm, những quyết sách lớn lúc này.

Đây là hội nghị mà chúng ta thấy, với sự tham gia của tất cả các Bộ, sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý địa phương, khối doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn bè đến từ các nước trên thế giới có nhiều kinh nghiệm. Họ chia sẻ cho chúng ta để có một cách tiếp cận mới, sự phát triển mới đối với ĐBSCL, cách tiếp cận để tiếp tục phát huy lợi thế, tài nguyên thiên nhiên ở đây và chúng ta cần hiểu biết được đặc điểm tự nhiên ở đây; đồng thời có sự chuyển đổi lớn từ các vấn đề về cơ chế, chính sách cho quy hoạch để đảm bảo ĐBSCL phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. 

PV: Đã có nhiều hội thảo, hội nghị, đưa ra những cơ chế, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học vẫn chưa thực sự tìm ra những giải pháp đột phá, để giải quyết vấn đề. Vậy qua Hội nghị lần này có điểm gì khác biệt và có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta cùng xem xét lại toàn bộ đánh giá và nhận thức thật đúng tiềm năng tự nhiên của ĐBSCL, của lưu vực sông Mê Kông.

Đặc biệt, chúng ta xem xét lại hệ thống các chủ trương chính sách từ trước đến nay để tiếp tục kế thừa những chủ trương, chính sách phù hợp; đồng thời kịp thời phát hiện những vấn đề tồn tại để sửa đổi, tập trung vào những giải pháp phi công trình như: chính sách, chiến lược, quy hoạch để tạo ra một sự chuyển đổi toàn diện, lâu dài và đảm bảo sự phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Sau khi chúng ta đã có cách tiếp cận đúng, quan điểm đúng và đã đưa ra những cơ sở quan trọng cho sự chuyển đổi lớn sẽ xây dựng một quy hoạch tổng thể, trong đó lấy tài nguyên nước làm trung tâm để đảm bảo quản lý về mặt rủi ro nước cũng như là tận dụng, khai thác nguồn lợi của nước. Nước làm nên đồng bằng này, nước sẽ tiếp tục quyết định sự sống của đồng bằng. Chính vì vậy chúng ta sẽ phải xem xét dựa trên những yếu tố căn bản để đưa ra những quy hoạch dựa trên đặc điểm tự nhiên, khả năng cung ứng tự nhiên và cách tiếp cận liên vùng, tiếp cận nước xuyên suốt cả lưu vực sông. Mục tiêu cao cả nhất đó là chất lượng cuộc sống, sự thịnh vượng của đồng bào, nhân dân ĐBSCL.

PV: Theo Bộ trưởng, những quyết sách lớn, những chiến lược hành động cụ thể sẽ được thực hiện ra sao để góp phần xây dựng một vùng đồng bằng châu thổ trù phú, thích nghi tốt với những diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hội nghị đưa ra những lộ trình trong hoàn thiện về cơ chế, chính sách, chiến lược quy hoạch cụ thể cho đồng bằng; đồng thời với đó là để xem xét, xác định những nhu cầu để tiến hành ngay những công trình và giải pháp để thể hiện một quan điểm, đó là tiếp cận theo vùng, liên kết vùng và sự phối hợp của tất cả các lĩnh vực đối với ĐBSCL; tạo ra những tiền đề, kinh nghiệm để giúp cho Việt Nam sẽ có cách ứng xử, cách xử lý phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cho các vùng miền khác.

Tôi cho rằng đây là một vấn đề hết sức khó khăn với sự chung tay góp sức của nhiều bạn bè quốc tế có nhiều kinh nghiệm, đa dạng phong phú, thì chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề đang đặt ra đối với ĐBSCL. Đây chính là mô hình để tạo cho chúng ta có sự chuyển đổi lớn./.

 PV: Vâng, xin cảm ơn Bộ trưởng Trần Hồng Hà!