Sau khi đọc các thông tin liên quan đến em Bùi Kiều Nhi, thí sinh ở Quảng Bình được 29,5 điểm nhưng không được vào học trường của ngành công an vì không trung thực khi khai lý lịch, tôi thấy lòng se lại bởi quy định ngặt nghèo và thiếu tính nhân văn của một cơ sở giáo dục Đại học.
Mẹ con em Kiều Nhi |
Em Bùi Kiều Nhi là nữ sinh tốt nghiệp PTTH được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Yêu nghề công an là vậy, chỉ vì bố em phạm tội bị phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo đã được xóa án tích từ lâu nên em không được nhập học.
Theo luật định thì người đã chấp hành xong hình phạt tù qua thời gian thử thách không phạm tội mới thì đương nhiên được xóa án tích và được coi là chưa có tiền án, tiền sự. Bố em Nhi phạm tội từ khi em chưa sinh ra đời. Quá khứ đau buồn ấy bản thân người phạm tội cũng muốn quên đi và người thân cũng muốn quên đi, cộng đồng cũng không vì thế mà kì thị. Tôi cho đây là một tư tưởng kì thị hẹp hòi, thiếu tính nhân văn.
Quốc khánh vừa qua Chủ tịch nước đã kí lệnh ân xá hàng vạn tù nhân cải tạo tốt, được tha tù trước hạn trở về với cộng đồng. Chính sách của Đảng và Nhà Nước kêu gọi cộng đồng cho họ hòa nhập và không kì thị, còn em Nhi thì sao?
Chỉ vì bố em là người đã được xóa án tích từ lâu mà em vẫn không được nhập học. Liệu đây có phải là sự kì thị truyển từ bố sang con?
Luật đã ban hành xóa án tích thì coi như không có tiền án tiền sự sao còn buộc em phải nhắc lại tiền án tiền sự của bố em đã được pháp luật công nhận xóa án tích. Vậy mà tàn dư của nó còn làm ảnh hưởng đến mơ ước chính đáng của em. Liệu những quy định dưới luật có được đứng trên luật?!!!
Mong rằng những nhà làm luật, các nhà sư phạm hãy lên tiếng để em Nhi được thực hiện mơ ước chính đáng của mình. Vì lí lịch đó mà em bị loại không được học là trái pháp luật, trái đạo đức giáo dục./.