Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa 13 đang diễn ra, khi đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều nỗi lo.
Một số đại biểu kiến nghị, cần xem lại tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, cốt lõi là đời sống, thu nhập và hoạt động sản xuất của người dân chưa thoát khỏi nghèo khó. Sau 5 năm triển khai Chương trình này, hiện cả nước có hơn 1.150 xã và 8 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 20% số xã đã triển khai chương trình này.
Nhà văn hóa thôn Tú Bình, xã Tam Vinh (Quảng Nam) |
Nỗi lo cũ về căn bệnh thành tích, nóng vội, chạy theo phong trào, biến cuộc vận động người dân tự nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới thành chỉ tiêu bắt buộc, đến nỗi cả người nghèo, người tàn tật,... cũng phải đóng góp tiền.
Vĩnh Hiệp là 1 trong 2 xã đầu tiên tại thành phố Nha Trang vừa được Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa công nhận xã nông thôn mới. Tại đây, Trung tâm Văn hóa Thể thao xã Vĩnh Hiệp được xây dựng khang trang, to đùng nhưng lúc nào cũng “cửa đóng then cài”. Cả khu đất rộng hàng ngàn mét vuông, cỏ dại mọc um tùm.
Ông Nguyễn Văn Hóa, nhà ở gần đây cho biết, từ khi hoàn thành đến nay, công trình này không mấy người đến. Ông nói: “Tôi đã đi nhiều nơi. Trong số các nhà văn hóa các xã chỉ có Nhà văn hóa xã Vĩnh Hiệp là to nhất và rộng thênh thang nhưng đóng cửa cả ngày. Tôi thấy thật lãng phí vì không có hoạt động gì”.
Việc dựng nhà văn hóa bề thế, khu thể thao và học tập cộng đồng hoành tráng nhưng không phát huy hiệu quả là thực tế buồn xảy ra tại nhiều địa phương xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Kim Sơn, Trưởng thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kể rằng, nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng xây Nhà văn hóa, nhìn sang thôn khác thấy làm Nhà văn hóa hoành tráng quá nên cũng ráng chạy theo. Cuối cùng, Nhà văn hóa thôn xây hơn nửa tỉ đồng chỉ để “trang trí”, trong khi khoản nợ vài trăm triệu đồng thôn chưa biết lấy đâu hoàn trả, đành xin xã cơ chế đấu giá đất tăng lên rồi lấy khoản chênh lệch trả nợ.
Chạy theo phong trào, nơi nào cũng rần rần huy động sức dân xây nhà văn hóa thôn, làm đường, xây chợ... Xã Bình Tú, huyện Thăng Bình là 1 trong 10 xã về đích đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Nam nhưng khi nhìn lại những việc đã làm nhiều người lắc đầu ngao ngán.
Tại địa phương này, ngoài khu chợ lác đác vài ba quầy sạp, nhà văn hóa không bóng người, đời sống của nhân dân trong xã cũng chưa có gì mới. Khu chăn nuôi tập trung quy mô 6 ha vừa hình thành lại không được người dân ủng hộ. Xã đã dành hàng chục ha đất quy hoạch thành khu công nghiệp cũng chưa thấy doanh nghiệp nào đến đầu tư. Khó nhất của xã Bình Tú hiện nay là chồng chéo về quy hoạch giao thông. Người dân trong xã góp công, góp của làm nên những con đường mới, chưa kịp vui đã khổ vì đường nhỏ hẹp đan xen như mạng nhện, đi lại gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Yến, Chủ tịch UBND xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, tại thời điểm xã lập quy hoạch ngành giao thông tỉnh chưa có quy hoạch tổng thể nên chuyện làm đường không theo quy chuẩn nào. Ông Yến nói: “Quy hoạch có nhiều bất cập, quy hoạch dân cư sau đó mới quy hoạch sản xuất. Mấy xã bên cạnh họ làm đường sau và rộng 3,5m, rộng thênh thang nhưng Bình Tú vẫn còn nhiều tuyến đường 2 m. Bình Tú làm trước thành ra lại lạc hậu”.
Thực tế cho thấy, rất nhiều công trình dân sinh xây dựng ồ ạt, chạy theo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, bỏ qua nhu cầu sát thực của người dân. Đây là hệ lụy của việc quy hoạch vội vàng, không lấy ý kiến người dân, xa rời thực tế.
Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam khẳng định, quy hoạch như vậy nên đường nông thôn bây giờ chỗ này phình ra, chỗ kia teo lại.
Chạy theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương vội vàng hoàn thành công tác quy hoạch, bố trí sản xuất. Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam nêu thực tế, tỉnh này cùng một lúc phải căng mình thực hiện cả quy hoạch xây dựng và quy hoạch bố trí sản xuất cho hơn 200 xã. Hầu hết các đơn vị tư vấn không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn “nhảy vào”lập quy hoạch cho xã để lấy tiền. Có đơn vị tư vấn lấy quy hoạch của xã này chỉnh sửa địa danh thành quy hoạch cho xã khác.
Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam thừa nhận: “Trong thời gian ngắn mà phải tiến hành quy hoạch trên phạm vi cả tỉnh hơn 200 xã, dĩ nhiên chất lượng có vấn đề. Ở một xã về đích nông thôn mới, mức độ bền vững không cao, mức độ hoàn thiện cũng không cao. Tôi khẳng định, đối với vùng Quảng Nam dựa vào nông nghiệp mà với quy mô sản xuất như hiện nay cũng xung quanh lúa, ngô, đậu và chăn nuôi theo kiểu nông hộ nhỏ bé hiện nay khó mà đạt thu nhập 25 triệu/người/năm chứ đừng có nói 40 triệu. Năng lực điều hành của xã yếu cũng đúng. Và vai trò chỉ đạo hướng dẫn thường xuyên của huyện cũng không sâu sát”.
Trong xây dựng nông thôn mới, từ khâu lập quy hoạch cho đến quyết định đầu tư đều phải dựa vào dân, bởi người dân là chủ thể của chương trình này. Và không ai hiểu nông thôn bằng nông dân. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, trong quá trình lập quy hoạch lại không hề lấy ý kiến nhân dân mà chỉ dựa vào đơn vị tư vấn. Điều này dẫn đến thực trạng nông thôn mới chỗ này na ná chỗ kia. Xã nào cũng xây chợ, trung tâm văn hóa rất hoành tráng.
Căn bệnh thành tích, chạy theo phong trào nên nhiều nơi, chính quyền địa phương huy động sức dân một cách vô tội vạ. Lại thêm mấy ông “quan tham” vô tư lấy trâu, bò, dê, gà của chương trình nông thôn mới cấp phát cho dân nghèo dắt về nhà mình, lòng dân bất bình./.