Cũng như nhiều miền quê khác trong cả nước, đằng sau việc giao đất kéo theo bao nhiêu chuyện buồn. Cầm trong tay một “cục tiền” đền bù, người nông dân không còn đất canh tác trở thành thất nghiệp”; từ “nhàn cư vi bất thiện” dễ dẫn người nông dân đến với các tệ nạn xã hội… Rút kinh nghiệm ở nhiều nơi, lường trước được những điều sẽ đến, chính quyền xã Dị Sử đã sớm lo toan, không để người dân sống vất vưởng bên cạnh các khu công nghiệp.
Nhưng bằng cách nào? Dân và xã cùng hiến kế, thống nhất đi tới một phương thức: Chính quyền địa phương yêu cầu các DN nhận đất xây dựng nhà máy trên địa bàn xã, cam kết: 1 sào ruộng đền bù sẽ phải nhận 1 người vào làm công nhân trong nhà máy. Nếu người đó không vào làm, sẽ được nhận 1 triệu đồng hỗ trợ học nghề. Còn người già, những người không thuộc độ tuổi lao động (từ 60 tuổi trở lên), xã chủ trương thành lập quỹ cho những đối tượng này. Chủ trương đó được Đảng ủy, các tổ chức, đoàn thể nhất trí cao. Nhưng vấn đề khó khăn là làm sao để có tiền?
Ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dị Sử, nhà ở ven quốc lộ 5, phấn chấn kể: “Cách đây 10 năm, ý tưởng thành lập quỹ hưu cho nông dân đã được hình thành, nhưng mãi tới năm 2004 chúng tôi mới thực hiện được. Để có tiền gây quỹ, trước hết chúng tôi tìm nguồn thu trong dân. Ban chỉ đạo thành lập quỹ đi đến từng nhà, nói rõ phương châm hoạt động của quỹ, chính là trả lương cho ông bà, cha mẹ của các hộ gia đình. Sau đó, qua một vài lần họp dân, thấy rõ mục đích thiết thực, mọi người nhất trí cao, đóng góp 50.000 đồng/hộ. Cả xã lúc đó có 2.000 hộ, thu được 100 triệu đồng. Tiền đóng góp được giao cho Hội Nông dân quản lý. Để đồng tiền quỹ không “chết”, hội có trách nhiệm gửi tiền tiết kiệm để sinh lời. Khoản tiền sinh lời được dùng chi trả “lương” cho những người đến “tuổi hưu”, tuyệt đối không sử dụng đến tiền gốc”.
“Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo thành lập quỹ, trong năm 2009 tiếp tục vận động sự đóng góp của các DN và nỗ lực bổ sung thêm “nguồn”, để đến năm 2010 quỹ đạt mức 7 tỷ đồng và bình quân “lương” của các cụ đạt mức 70.000 đến 100.000 đồng/tháng. Tối thiểu mỗi cụ phải có 10 kg gạo/tháng, đủ ăn như hồi còn ruộng cày cấy”. Ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dị Sử. |
Sau phần “phát huy nội lực”, Ban quản lý quỹ đến các DN đóng trên địa bàn Dị Sử, đặt vấn đề một cách có tình, có lý. Theo quy định, 1 sào đất đền bù nhà máy phải nhận một người vào làm, hoặc trả 1 triệu đồng tiền học nghề, thì nay khoản lợi của diện tích đất công điền (không có nhân công vào làm) cũng được trả 1 triệu đồng và được chuyển vào quỹ nồng dân hết tuổi lao động. Thấy cách làm hay của địa phương, hợp lòng dân, các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng nhiệt tâm giúp đỡ. Anh Vũ Duy Tiến ở thôn Phan Bôi nói: “Về Quỹ hỗ trợ nông dân, tôi ủng hộ hết mình. Hầu hết người dân xã tôi là nông dân, vì vậy, nếu duy trì được quỹ hoạt động tốt thì “lương” của các cụ hôm nay là ngày mai của chúng tôi”! Một số gia đình có điều kiện đóng góp cả chục triệu đồng. Không những vậy, họ còn vận động những người đi làm ăn xa. Hàng năm Tết đến, có những Việt kiều ở Đức và các nước khác về thăm quê, ủng hộ quỹ 200-300 triệu đồng. Được sự góp sức từ nhiều phía, số tiền quỹ ngày một tăng. Năm 2004, quỹ “lương hưu” của nông dân Dị Sử đã có trong tài khoản chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Mỹ Hào trên 1 tỷ đồng. Năm 2006 trên 2 tỷ đồng. Và, năm 2008 tăng lên 4,1 tỷ đồng.
Ông Phạm Tất Hóa, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Dị Sử - người tích cực tham gia trong quá trình thành lập và duy trì quỹ, cho biết: “Cả xã có 1.447 người cao tuổi, thì có 917 cụ được hưởng lợi từ quỹ này. Đối tượng được hưởng là những người cao tuổi không có lương hưu, tức là những người từ trước đến nay chỉ biết trông chờ vào đồng ruộng”. Nhờ quỹ phát triển, nên “lương” các cụ tăng dần qua từng năm: Năm 2004, năm đầu tiên người nông dân Dị Sử có “lương hưu”, mỗi cụ được 10.000 đ/tháng (120.000 đ/năm); năm 2005 là 20.000 đ/tháng; năm 2006 tăng lên 25.000 đ/tháng và năm 2007 là 30.000 đ/tháng. Đặc biệt. Năm 2008 lương của các cụ được chia làm 2 mức: Mức 1 gồm những người từ 60 đến 69 tuổi, được hưởng 40.000 đ/tháng/người; mức 2, từ 70 tuổi trở lên được hưởng 50.000 đ/tháng/người. Mỗi năm các cụ lĩnh “lương hưu” hai lần, vào dịp giữa năm và giáp Tết Nguyên đán.
Về Dị Sử, vào thăm nhà cụ Hoàng Thị Mây, 75 tuổi, ở thôn Phan Vôi. Cụ mở ngay cái hòm tôn đặt ở đầu giường, tay run run cắm cuốn “sổ hưu” ra khoe: “Cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chưa từng mơ đến lương hưu. Ấy vậy mà, bây giờ lại là sự thật – tuổi già có “lương hưu”, thật mà như mơ. Sung sướng quá”! Thực tế, nhờ có “lương hưu nông dân” mà cuộc sống nhiều người già ổn định, đỡ lo toan hơn. Như cụ Nguyễn Thị Phương, 76 tuổi, hoàn cảnh khó khăn, đang sống cùng cô con gái trong một căn nhà lợp prôximăng ở thôn Trại.
Tuy số tiền các cụ nhận không nhiều, nhưng ai cũng vui vì cảm thấy tuổi già được con cháu, thôn xóm, các DN và chính quyền địa phương quan tâm một cách thiết thực, giúp tuổi già sống vui, sống khỏe, đồng thời giảm bớt một phần khó khăn đối với những gia đình có người già”. |
Cụ nói: “Những người già như chúng tôi đã mất hết sức lao động thì cuộc sống phụ thuộc vào con cái. Nhưng, con tôi nghèo quá nên không giúp được nhiều. Nay, nhờ có “lương hưu” của xã, cuộc sống cũng đỡ lo hơn nhiều”.
Nông dân nhiều địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển giao đất nông nghiệp phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH nước nhà. Nhưng đến nay, có lẽ Dị Sử là xã duy nhất trong cả nước nông dân có “lương hưu”. Ông Phạm Minh Hóa cho rằng: “Qua thực tế cách làm của chúng tôi không khó. Nhưng để làm được, trước hết phải có tấm lòng, sự năng động của chính quyền, đoàn thể địa phương, tiếp đó là sự công khai, minh bạch đối với đồng tiền. Chính sự công khai, minh bạch nên chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người… Theo đó, quỹ hưu nông dân Dị Sử ngày một gia tăng…”! Đây là một mô hình cần được nhân rộng./.