Bên cạnh các đơn vị, doanh nghiệp thực sự khó khăn, cũng không ít doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước cố tình chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ với người lao động, gây khó khăn cho công tác thực hiện chính sách về BHXH, BHYT, BHTN.
Theo phản ánh của hàng chục lao động thuộc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh đóng tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, từ giữa năm 2015 cho đến nay, Trung tâm chưa thanh toán cho người lao động các chế độ về BHXH, tiền lương, thai sản, ốm đau. Dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết, khiến công nhân rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Ông Vũ Khắc Dũng, Phó Trại Thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đông Mai, Trung tâm Khoa học, kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh cho biết: “Công nhân chúng tôi rất mệt mỏi. Bao nhiêu lần lên đây xin giám đốc trả lương. Bản thân tôi cũng là trại phó ở đây bao nhiêu năm, công nhân lao động tích cực thì vẫn có sản phẩm. Nhiều khi cùng công nhân đóng cá bán, biết có tiền lên xin lương nhưng giám đốc bảo không có tiền”.
Mặc dù hàng quý, các công nhân vẫn tự bỏ tiền ra đóng BHXH nhưng Trung tâm KHKT và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh không nộp về BHXH Quảng Yên |
Điều đáng nói, hiện mức lương khoán Trung tâm khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản chi trả cho người lao động là 2,7 triệu/tháng, thấp hơn mức lương vùng theo quy định của pháp luật. Nhưng vì cuộc sống và gắn bó với nghề nhiều lao động vẫn tự bỏ tiền túi để đóng BHXH. Điều éo le là Trung tâm lại không nộp số tiền này về BHXH thị xã Quảng Yên, khiến các quyền lợi hợp pháp của người lao động không được chi trả.
Chị Phạm Thị Thảo và chị Nguyễn Thị Hải Yến, nhân viên Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh bức xúc: “Năm 2017 tôi sinh, nhưng đến giờ chưa nhận được tiền thai sản. Còn tiền ốm đau từ năm 2015 cũng chưa được nhận, trong khi đó tiền bảo hiểm hoàn toàn chúng tôi đóng tự túc. Chúng tôi đóng tiền về Trung tâm có phiếu thu đầy đủ, có chữ ký của kế toán và giám đốc. Nguyện vọng bây giờ của tôi là được chốt sổ bảo hiểm để tôi còn đi kiếm việc làm khác".
Theo kết quả thanh tra tài chính do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh thực hiện vào đầu năm 2018, tính đến 31/7/2017 Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh còn nợ 7 tháng lương của viên chức sự nghiệp và hợp đồng lao động, với tổng số tiền là hơn 500 triệu đồng. Riêng khoản nợ BHXH là hơn 2 tỷ đồng.
Đáng lo ngại, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh không phải là đơn vị sự nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vi phạm các quyền lợi về lương và bảo hiểm xã hội với người lao động.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm nay có không ít công ty, đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với hơn 155 tỷ đồng trong đó các đơn vị hành chính sự nghiệp nợ gần 13 tỷ đồng. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã được chỉ mặt, điểm tên với những số nợ lớn, khó đòi.
Ông Lê Đình Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh nói: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ thanh tra tất cả các đơn vị này. Sau khi thanh tra sẽ có xử lý vi phạm hành chính và đó là căn cứ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khởi tố theo bộ luật hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Có như vậy mới mong hoàn thành được kế hoạch thu nợ BHXH”.
Nợ lương, nợ BHXH ngày càng trở nên phổ biến,vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người lao động. Mặc dù hàng nghìn công nhân đang chật vật xoay sở với cuộc sống nhưng vẫn chưa có đơn vị nào bị khởi tố dù số nợ lên tới hàng chục tỷ đồng. Mong rằng khi hành vi nợ, trốn đóng BHXH được hình sự hóa, được coi là tội phạm thì tình trạng nợ lương, nợ BHXH sẽ giảm, người lao động sẽ được nhận những quyền lợi xứng đáng./.
Giải pháp nào huy động dân tham gia bảo hiểm xã hội?
Đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần