Tại Hội nghị sơ kết 5 năm công tác kiểm lâm địa bàn do Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) tổ chức, anh Trần Đình Thiện - Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế là một trong 47 cá nhân tiêu biểu trong cả nước được vinh dự nhận bằng khen của Bộ NN&PTNT vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ phát triển rừng và phòng chống cháy rừng.

Anh Thiện kể, 8 năm về công tác tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là từng đó năm, anh kiên trì bám rừng, bám bản, cùng với người dân hai xã: A Ngo và Sơn Thủy gìn giữ màu xanh cho vùng đất giữa đại ngàn Trường Sơn.

Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế năm 2004, anh Thiện xung phong về công tác tại huyện A Lưới - một huyện miền núi nghèo với phần đông là người dân tộc thiểu số, và cũng là một trong những “điểm nóng” về tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

Thời gian đầu mới về nhận nhiệm vụ, anh Thiện được giao phụ trách bảo vệ 3.000ha rừng. Khi đó, chính quyền địa phương còn phó mặc công việc quản lý, bảo vệ rừng cho lực lượng kiểm lâm, còn người dân thì không hợp tác. Yêu màu xanh của rừng, anh Thiện luôn trăn trở làm thế nào để vừa bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng vừa cải thiện được sinh kế cho người dân.

Tuổi trẻ nuôi ước mơ hoài bão lớn. Từ suy nghĩ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, “thanh niên đi trước, làng nước theo sau”, anh Thiện đã chủ động đề xuất với lãnh đạo đơn vị phối hợp với Đoàn Thanh niên hai xã A Ngo và Sơn Thủy, huyện A Lưới phát động phong trào “giữ rừng cho quê hương”.

Với phong trào này, mỗi thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, vận động người thân không khai thác lâm sản trái phép, mà nhận thêm nhiều diện tích rừng giao khoán để bảo vệ.

Bản thân anh Thiện cũng xác định rõ: Muốn bảo vệ rừng có hiệu quả, không thể dừng lại ở việc tuyên truyền, thuyết phục bà con vì cuộc sống người dân vùng núi vẫn còn nghèo đói. Vì thế, anh đã tham mưu cho chính quyền địa phương nhiều cách làm giúp người dân cải thiện đời sống từ nghề rừng.

Anh Trần Đình Thiện nói: “Thực hiện đề án 430 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi đã viết một đề án giao cho các hộ dân hoặc nhóm hộ gia đình ở địa phương có nhu cầu. Đến nay, diện tích rừng giao cho các hộ dân lên đến 9.000ha cho 120 nhóm hộ và tổ chức. Việc giao đất rừng khiến người dân được hưởng lợi từ dự án trồng rừng và họ có trách nhiệm với diện tích nhận trồng”.

Từ ý tưởng “đảm bảo thu nhập bền vững” cho người dân vùng miền núi A Lưới, năm 2011, anh Thiện cùng với đồng nghiệp vận động người dân thực hiện dự án “Mây bền vững” vừa tăng cường đa dạng sinh học, vừa giúp bà con có thêm thu nhập trong quá trình nhận khoán bảo vệ rừng.

Ông Trần Lộc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Thủy, huyện A Lưới đánh giá: Từ khi xã có kiểm lâm xuống địa bàn, ý thức trách nhiệm của chủ rừng và người dân trong bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được nâng cao hơn. Nhiều người dân đã tố giác kịp thời các đối tượng có hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Suốt 8 năm bám rừng cùng dân, anh Trần Đình Thiện được nhân dân tin quý. Bà con nhận thấy giá trị từ rừng và tự nguyện bảo vệ rừng vì nguồn sống của chính bản thân và gia đình. Nhờ vậy, tình trạng phá rừng làm nương rẫy ở huyện miền núi A Lưới giảm đáng kể.

Ông Lê Nhân Đức - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét: “Anh Thiện là người có tinh thần học hỏi, giỏi trong công việc, ứng dụng các phần mềm chuyên dụng để thực hiện công tác kiểm lâm địa bàn.

Kể về công việc và cuộc sống ở vùng núi còn đầy rẫy khó khăn, anh Trần Đình Thiện cho rằng: Mảnh đất nặng tình người của đồng bào các dân tộc miền núi A Lưới đã níu chân anh. Thời gian ở cùng đồng bào, đồng nghiệp nhiều hơn ở với gia đình. Thế nhưng, cuộc sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, một số người vẫn lén lút phá rừng, đào vàng trái phép. Do vậy, anh vẫn tiếp tục “3 cùng” đồng bào trong nỗ lực giữ rừng./.