Vừa cho đàn dê của gia đình ăn cỏ, chị Sang, làng Chrơng 2, xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang vừa vui mừng kể về câu chuyện vươn lên thoát nghèo của gia đình mình. Chị Sang cho biết, gia đình chị có 2 ha rẫy, nhưng chủ yếu trồng sắn và lúa nương, nên nhiều năm vẫn không thoát khỏi cái đói mùa giáp hạt, cuộc sống hàng ngày cũng hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Năm 2018, vợ chồng chị Sang được UBND xã tặng 2 con dê sinh sản. Sau gần 2 năm chăn dắt, hiện tại, gia đình chị đã có đàn dê 8 con. Cũng nhờ cán bộ nông nghiệp xã động viên, hướng dẫn, chị Sang mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng Chính sách Xã hội để trồng 1ha cà phê.

 Chị Sang cho biết, sau nhiều năm cố gắng, cuối 2020 này, gia đình chị Sang đã thoát nghèo: “Nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình để vươn lên thoát nghèo. Mấy năm trước, nhà nước có hỗ trợ cho 1 cặp dê sinh sản. Năm nay đã đẻ ra được gần 10 con. Gia đình rất mừng, có dê rồi thì làm thêm bời lời, lúa, cà phê nữa để thoát nghèo, phát triển kinh tế cho tốt”.

Gia Lai có gần một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai và Ba-Na. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 19,7%. Trong đó, có hơn 40% hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, công tác giảm nghèo ở bộ phận dân cư này luôn được Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Trong vòng 5 năm, từ 2016 tới nay, tổng số vốn thực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại tỉnh là 1.268 tỷ đồng; Tỉnh uỷ Gia Lai ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017, về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, các dự án giảm nghèo trong chương trình tập trung hỗ trợ hộ nghèo các cơ sở như nhà ở, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sống, chất lượng chăm sóc y tế … Với việc lồng ghép hiệu quả các chương trình, ngay cả những xã trước đây rất khó khăn, công tác giảm nghèo cũng có bước tiến dài.

Ông Lê Văn Cửu, Chủ tịch UBND xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh cho biết: “Bằng mọi nguồn vốn, chúng tôi đã tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho bà con vay vốn phát triển kinh tế, nuôi bò, nuôi lợn. Đến nay, chúng tôi còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,71%”.

Bà Rơcom Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, dự kiến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai còn dưới 4,5%, đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số dự kiến còn dưới 6,25%. Đáng nói, đến nay, các gia đình chính sách khó khăn tại tỉnh đều đã thoát nghèo.

Theo bà Rơcom Sa Duyên, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục quan tâm để người dân không bị tái nghèo: “Hộ cận nghèo và hộ nghèo mới thoát nghèo còn nhiều khó khăn. Có thể họ rơi vào tình trạng tái nghèo. Sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các địa phương quan tâm tới 2 nhóm đối tượng này, tiếp tục triển khai các chính sách để hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững hơn”.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị tại địa phương, công tác giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số tại Gia Lai đang có những kết quả khả quan, làm thay đổi cuộc sống của bà con nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa./.