Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại khu vực nguy hiểm, nhất là vùng ven biển, cửa sông, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập sâu do nước biển dâng, sóng, gió lớn, sạt lở; Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra….

Cùng với đó, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu địa phương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, công trình đang thi công ven biển, công trình cột cao, khu khai thác hải sản.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, đến sáng nay, đã kêu gọi được hơn 2.202 tàu thuyền vào neo đậu tại các bến, cảng; 315 tàu thuyền khác đang hoạt động đánh bắt vẫn giữ được liên lạc thường xuyên. Tất cả lao động trên tàu, thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản đã lên bờ an toàn.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đã sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân 2.086 hộ với 15.789 nhân khẩu vùng ven biển khi bão ảnh hưởng trực tiếp và gây mưa, lũ, ngập lụt.

 Ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh–Phó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Các khu ven biển, chúng tôi tập trung chỉ đạo để ứng phó với cơn bão này bằng cách chèn chống, di dời dân khi có tình huống xấu nhất. Đối với các vùng miền núi, vùng có nguy cơ sạt lở… thì phải điều chỉnh các hồ đập trên địa bàn. Sở GD&ĐT cũng cho học sinh nghỉ học tại một số điểm trường, nhất là các trường vùng đồng bào DTTS để kiểm soát việc di chuyển trên địa bàn tỉnh./.