Tập thể các nhà khoa học nữ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm phục vụ đời sống. Trong đó có những nghiên cứu ứng dụng về Khoa học và công nghệ Nano phục vụ cho sản xuất nguyên liệu ngành dược có nguồn gốc từ tự nhiên. Họ đã được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 và được tôn vinh tại Chương trình“ Tự hào phụ nữ Việt Nam“ tới đây.
Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, nhóm 5 nhà khoa học nữ của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam gồm các PGS-TS: Trần Kim Anh, Vũ Thị Bích, Phạm Thu Nga, Trần Hồng Nhung và Nguyễn Phương Tùng đã thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng về Khoa học và công nghệ nano nhằm phục vụ cho sản xuất nguyên liệu ngành dược sử dụng chất có nguồn gốc tự nhiên.
Các nhà khoa học mong muốn không phải “vật vã” lo mua hóa đơn
Các chị đã làm chủ nhiệm và thực hiện hàng chục đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện; là tác giả và đồng tác giả của hơn 630 bài viết, trong đó có khoảng 120 bài đăng trên tạp chí quốc tế. Trong số các công trình nghiên cứu khoa học, cụm công trình khoa học nổi bật nhất của các chị là nghiên cứu: Cụm công trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano phục vụ sản xuất nông nghiệp, y-sinh và dược học.
Các chị chính là những nhà khoa học nữ đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về các vật liệu bột phát quang chứa các ion đất hiếm, phục vụ việc sản xuất đèn huỳnh quang để chế tạo bẫy đèn diệt côn trùng. Cũng theo hướng nghiên cứu này, các chị đã đầu tư nghiên cứu các vật liệt nano để chế tạo các đầu dò sinh học phát hiện vi khuẩn và tế bào ung thư.
PGS-TS Phạm Thu Nga cho biết: Mục tiêu của nhóm các nhà khoa học nữ là đem các kết quả nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế.
“Chúng tôi là 5 người làm ở những lĩnh vực khác nhau nhưng đều là ứng dụng các vật liệu kích thước nano, cấu trúc nano để ứng dụng cho y học, sinh học, y-sinh. Ví dụ gần đây nhất và đang làm là ứng dụng vào để phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong các cây chè, hoa quả, các loại rau...mà phát hiện nhanh. Hay như chị Trần Hồng Nhung là chị ý ứng dụng trong y học nhằm phát hiện sớm một số bệnh như ung thư và một số bệnh khác”- PGS.TS Phạm Thu Nga nói.
Nhóm các nhà khoa học nữ Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam còn phát triển nghiên cứu về hệ kính hiển vi huỳnh quang, cho phép chụp cắt lớp và dựng ảnh 3D tế bào và mô sống, là công cụ đắc lực trong nghiên cứu sinh học và chuẩn đoán y học. Để trau dồi chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, các chị thường xuyên hợp tác chặt chẽ với các nhà nữ khoa học quốc tế như Pháp, Mỹ, Anh, Hàn Quốc..., tham gia các hội nghị khoa học và đi học tập xa gia đình trong thời gian dài.
Nhà khoa học nữ đem lại sự sống cho những vùng đất "chết"
PGS-TS Phạm Thu Nga chia sẻ, quá trình theo đuổi với đam mê nghiên cứu khoa học, chị đã vượt qua nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất nghiên cứu hạn chế, con còn nhỏ, học bổng ra nước ngoài học tập và nghiên cứu đa phần là thấp...nhưng vì lòng say mê nghiên cứu khoa học nên bản thân chị và những thành viên trong nhóm vẫn quyết tâm đi công tác để học những hướng nghiên cứu những sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn, có lợi cho sức khỏe con người:
“Hiện chúng tôi đang nghiên cứu về dược phẩm, là thực phẩm chức năng đóng góp cho dược phẩm. Những chất chiết tách từ tự nhiên, chiết tách từ củ quả một cách thực sự, tôi thấy bằng những công cụ của Vật lý để phục vụ những ngành công nghiệp trong tương lai là nước mình sẽ phát triển, ví dụ như hạt cilica là những chất phụ gia gọi là tá dược, Việt Nam mình có thể tự sản xuất thay vì nhập khẩu và ở đây chúng tôi hoàn toàn có thể làm được. Tất cả các nghiên cứu của chúng tôi đều có thể mang ra làm nghiên cứu sâu thêm để có thể ứng dụng vào thực tế”- bà Phạm Thu Nga nói.
Hiện nay, các chị đã ở tuổi nghỉ hưu, không trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo, quản lý nhưng các chị vẫn tham gia giảng dạy ở tại các cơ sở đào tạo trong nước. Ngoài ra, các chị còn được mời hướng dẫn cho các thực tập sinh của các trường đại học nước ngoài gửi sang Việt Nam thực tập. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các chị, 20 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, 6 nghiên cứu sinh đang làm nghiên cứu và sẽ bảo vệ trong các năm tới, 60 thạc sỹ đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp cao học. Nhiều sinh viên được các chị hướng dẫn làm nghiên cứu khoa học và khóa luận tốt nghiệp đã trở thành các kỹ sư, cử nhân, tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
PGS-TS Trần Kim Anh cho biết: “Để truyền lửa cho các nghiên cứu sinh, chúng tôi cố gắng đưa ra những hướng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu có tính hấp dẫn. Những năm đầu, chúng tôi làm tấm thăm quang cho y tế. Gần đây là làm những vật liệu nano mà ứng dụng để đánh dấu trong y sinh và đánh dấu, kiểm nghiệm vắc xin. Từ đó để các em nghiên cứu sinh thấy rằng, việc nghiên cứu của mình vừa có trinh độ cao nhưng đồng thời thiết thực”.
Với những cống hiến miệt mài cho khoa học, nhóm 5 nhà khoa học nữ Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vinh dự được nhận giải thưởng khoa học công nghệ cho cụm công trình Nghiên cứu cơ bản về quang học vật rắn, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học của Bộ khoa học và Công nghệ, Bằng khen Nữ trí thức tiêu biểu Việt Nam giai đoạn 2010-2015; 2 bằng sáng chế độc quyền đăng ký tại Liên bang Nga và cộng hòa Belarus.
Tới đây, các chị được nhận Giải thưởng Kovalevskaia và được tuyên dương trong chương trình “ Tự hào phụ nữ Việt Nam’’. Đây là niềm vinh dự và cũng là động lực để các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học nữ tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu ra những sản phẩm thiết thực cho đời sống xã hội./.
Những điều thú vị về 5 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam
Hai nhà khoa học đoạt giải Kovalevskaia với các công trình nổi tiếng