Sáng 4/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị trực tuyến Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Cùng dự có đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và các tỉnh thành cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, khoa học công nghệ đã trở thành động lực của nhiều ngành, lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, y tế, công nghiệp; giúp nâng cao chất lượng giám sát, dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí hậu thủy văn, giám sát mặn xâm nhập. Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ đóng góp 30-40% vào tăng trưởng nông nghiệp; đóng góp vào các sản phẩm nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Đại diện các Bộ phát biểu tại hội nghị đều khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, khoa học công nghệ chính là động lực của ngành. Trong đó có nghiên cứu sản xuất các loại vaccine tại Việt Nam, điển hình là vaccine rotavirus, hiện chỉ 4 nước trên thế giới có thể sản xuất. Các ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp chữa trị, nghép tạng thành công, chữa nhiều bệnh hiểm nghèo.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường lấy ví dụ từ Tập đoàn Viettel, xuất phát từ một công ty sản xuất và sửa chữa thiết bị vô tuyến điện, ngày nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, một điển hình trong việc coi trọng đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển các dịch vụ và các sản phẩm công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đầu tư cho khoa học công nghệ cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và phải thiết thực hơn. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm hơn việc hướng dẫn quy trình quản lý, thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc phát triển 10 sản phẩm chủ lực quốc gia.
Các ý kiến đều cho rằng, chủ trương của Nhà nước lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển là đúng đắn, nhưng việc triển khai lại chưa hiệu quả. Do đó cần thay đổi cơ chế tài chính, thu hút người tài về khoa học công nghệ; tập trung đào tạo ra những chuyên gia giỏi về khoa học công nghệ trong những lĩnh vực mà kinh tế-xã hội đang cần thay vì đào tạo dàn trải.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá khoa học công nghệ đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần đưa xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 59 thế giới. Các Bộ, các địa phương đã quan tâm hơn về khoa học công nghệ và đã có sự phối hợp nhịp nhàng hơn.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một thực tế là dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo đạt mức tương đối nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vị trí này thể hiện sự tụt hậu của khoa học công nghệ nước ta. Điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của nhà nước. Tồn tại nữa là hiện có rất nhiều đề tài nghiên cứu, nhưng Thủ tướng lưu ý, tính ứng dụng của các đề tài còn thấp.
“Chúng ta nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít. Khoa học thì phải nghiên cứu mới thành sản phẩm, nhưng áp dụng vào thực tiễn là vấn đề lớn đặt ra. Do đó, đầu tư cho khoa học công nghệ cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và phải thiết thực hơn, ưu tiên đầu tư các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cũng lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và các nhà khoa học. |
Thủ tướng cho rằng, cần xem xét lại hội đồng đề tài còn có sự bất hợp lý, chưa sát thực tế và còn cảm tính, dẫn đến hiệu quả các ứng dụng đề tài vào thực tiễn còn thấp. Quản lý Nhà nước dù có tiến bộ, nhưng vẫn còn có sự bất cập trong đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, công nghệ cao, mô hình nghiên cứu khoa học chưa kết hợp tốt…
Trước thực tế đó, Thủ tướng nêu ra 6 yếu tố để phát triển khoa học công nghệ nước ta là thể chế, cơ chế, môi trường; con người, cán bộ khoa học công nghệ; nguồn lực đầu tư; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập và năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho khoa học công nghệ.
Theo đó, phải tạo thể chế thông thoáng trong thu hút nhân tài, sử dụng người tài, các nhà khoa học, kiều bào ở nước ngoài có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. Thủ tướng khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc.
Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của khoa học công nghệ mà trước hết là con người và thể chế. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực, sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng.
Phải bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không chúng ta khó có thể phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. Thủ tướng cho rằng, sẽ không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phải có giải pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, Bộ cần rà soát đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu, không để tình trạng thừa quá nhiều nhân lực trong một số lĩnh vực như vừa qua.
Thủ tướng yêu cầu: “Nghiêncứu khoa học phải gắn với thị trường, trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau”.
Một vấn đề nữa Thủ tướng yêu cầu xử lý, đó là phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. “Nếu các nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính thì am hiểu về chuyên môn sẽ rơi rụng và am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên. Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả”, Thủ tướng cho biết.
Cùng với đó, Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện nay, ngân sách Nhà nước chỉ dành 0,5% GDP đầu tư cho khoa học công nghệ, và con số này chiếm 70% nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, 30% là của xã hội. Thủ tướng cho rằng cần có giải pháp để đổi vị trí cho nhau, tức là 70% nguồn lực xã hội đầu tư vào khoa học công nghệ, nhà nước chỉ đầu tư 30%./.