Bài 1: “Ngôi nhà” gắn kết những người nhiễm HIV

Khi các tổ chức vào cuộc phòng, chống HIV/AIDS

Quan điểm Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 xác định: HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. Phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành… Trong nhóm giải pháp, Chiến lược cũng xác định sự cần thiết vận động các tổ chức tôn giáo, các tổ chức chính trị - xã hội, phi chính phủ (NGO), các doanh nghiệp, các mạng lưới người nhiễm HIV tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận sự đóng góp tích cực và hiệu quả trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS từ phía các tổ chức xã hội như tham gia vào nhiều khía cạnh hoạt động xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, y tế, xã hội, kinh tế; tập trung các hoạt động như truyền thông, dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV tại cộng đồng; góp phần cùng hệ thống quốc gia cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV; cũng như góp phần vận động chính sách phòng, chống HIV/AIDS.

hiv1_xieu.jpgCác thành viên Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương (TP Hạ Long, Quảng Ninh) trong một buổi sinh hoạt định kỳ

Bác sĩ Hoàng Thị Xuân Lan, Giám đốc Trung tâm Nâng cao Chất lượng cuộc sống (LIFE) khẳng định: Sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công cuộc phòng chống HIV là phù hợp với chủ trương xã hội hóa và huy động trong phòng, chống HIV của Đảng và Chính phủ, được khuyến khích trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; được các tổ chức trong nước và quốc tế xem như một bước tiến quan trọng, là cơ hội cho sự phát triển.

Trong nỗ lực chung của cả nước nhằm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, các tổ chức phi chính phủ địa phương (VNGO) với nguồn lực huy động chủ yếu từ các tổ chức và nhà tài trợ quốc tế, đã và đang thực hiện những chương trình, hoạt động sáng tạo và hiệu quả, đem lại những thay đổi tích cực, đáng kể trong cộng đồng dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao và những người đang sống chung với HIV/AIDS.

 

Chỉ tính riêng Dự án thành phần VUSTA, đến hết tháng 6/2014 đã xây dựng được hệ thống cộng đồng với 83 tổ chức xã hội cấp cơ sở, hỗ trợ việc hình thành và phát triển một số mạng lưới như Mạng lưới người sống chung với HIV (VNP+), Mạng lưới hỗ trợ người sử dụng ma túy tại Việt Nam. Các tổ chức xã hội trên cũng đã tổ chức được 293 khóa tập huấn, cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho trên 30.000 người cùng nhiều hoạt động khác. Dự án đã nâng cao vị thế, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và tăng cường sự tham gia của các tổ chức này trong phòng, chống HIV/AIDS. Chính phủ đánh giá cao sự tham gia và đóng góp có hiệu quả của các tổ chức xã hội, khẳng định sự quan tâm và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của Chính phủ đối với các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và mại dâm. 

Trong năm 2013, các nhóm, tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) ở TP HCM đã tiếp cận thành công hơn 5.600 khách hàng là MSM (đồng tính nam) và PSP (người tiêm chích ma túy). Các nhóm ở Bình Dương đã tiếp cận thành công hơn 2.200 khách hàng trên các nhóm đích là MSM, PSP… 

Còn nhiều rào cản

Theo bác sĩ Hoàng Thị Xuân Lan, để đạt được những thành tựu này, có công sức không nhỏ của những cá nhân, nhóm người đã không quản ngại sự kỳ thị của xã hội, bệnh tật và hạn chế của bản thân. Họ có thể nói là những thành viên “vô danh” tham gia vào các nhóm, tổ chức dựa vào cộng đồng – nơi tập hợp những cá nhân từ chính cộng đồng những người dễ bị tổn thương, hoạt động hoàn toàn tự nguyện, đại diện cho tiếng nói và lợi ích của chính cộng đồng họ. Vì vậy, họ chính là tâm, là gốc của những nỗ lực ứng phó với HIV/AIDS. Tuy nhiên, phần lớn trong số này chưa được các cấp chính quyền địa phương nhìn nhận một cách đầy đủ và đúng đắn.

Tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS của một nhóm tự lực

Theo PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế: Tuy sự tham gia của các tổ chức xã hội rất cần thiết và đóng vai trò tích cực, nhưng thực tế lại thiếu một khuôn khổ pháp lý nhất quán cho việc đăng ký và quản lý các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và đoàn thể quần chúng; nguồn tài trợ thiếu bền vững, hầu hết phụ thuộc vào tài trợ quốc tế. Bên cạnh đó, năng lực các tổ chức còn hạn chế, nhất là các nhóm tự lực. Hầu hết các thành viên đến với dự án bằng tấm lòng và nhiệt huyết muốn phục vụ cho chính nhóm đối tượng của họ, nhưng lại thiếu kỹ năng cung cấp dịch vụ, và nhất là kinh nghiệm quản lý nhóm.

Đặc biệt, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đang là những rào cản lớn đối với việc cung cấp dịch vụ và sự tham gia có ý nghĩa hơn của người sống với HIV và các nhóm quần thể chính, có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong ứng phó quốc gia. Chị Hoàng Như Thủy, đại diện nhóm Hương Cau (TP Cần Thơ) cho biết, nhóm được thành lập nhằm tiếp cận cung cấp vật phẩm (bao cao su, tài liệu) và các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho khách hàng là bạn tình âm tính của những người sử dụng ma túy và người nhiễm HIV. Song nhóm đã gặp không ít khó khăn khi hoạt động, đó là sự kỳ thị trong cộng đồng còn cao.

Không những thế, chính những người nhiễm HIV còn tự kỳ thị bản thân, nên họ thường sống khép kín và ngại tiếp xúc với những người làm công tác truyền thông về HIV/AIDS. “Các khách hàng từ chối trả lời về tình trạng của mình, họ thậm chí chửi bới, xua đuổi khi có thành viên nhóm tới tiếp cận. Họ lo sợ chúng tôi sẽ làm lộ thông tin về tình trạng cá nhân, gia đình khiến họ bị xa lánh. Ngoài ra, bản thân họ sợ mất việc làm, ảnh hưởng tới cuộc sống, hoạt động kinh doanh”, chị Hoàng Như Thủy nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, sự tham gia vào cuộc mạnh mẽ của các các tổ chức xã hội, trong bối cảnh nguồn tài trợ của nước ngoài trong lĩnh vực này đang bị thu hẹp là hết sức quan trọng. Các tổ chức xã hội dân sự chính là lực lượng quan trọng, mấu chốt trong các chương trình quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Đây là kênh hiệu quả và ít tốn kém nhất, giúp Chính phủ đạt được những mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực này.

Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS cần được xã hội hóa và việc trao quyền cho các tổ chức xã hội, phi chính phủ, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu “Ba Không” (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS) cần được thực hiện như thế nào? Phóng viên VOV.VN sẽ đề cập trong bài tiếp theo./.