Hiệp sĩ Công nghệ thông tin

“Tàn nhưng không phế”. Đó là chàng trai Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống, người khuyết tật đã vượt lên số phận và trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo. Vì may mắn được tiếp cận với Công nghệ thông tin (CNTT) từ rất sớm cộng với nghị lực sống mạnh mẽ, Nguyễn Công Hùng đã chiến thắng bệnh tật, miệt mài trau dồi kiến thức và gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực này.

Năm 2002, Công Hùng thành lập website: www.conghung.com. Sau đó website này đã trở thành địa chỉ tin cậy của hơn 30.000 thành viên trên khắp thế giới và được mạng Alexa xếp hạng thứ 30.000. Cũng thời điểm này, tác giả đã được trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi vào “Danh mục đề xuất kỷ lục về ý chí của Việt Nam”, “Người khuyết tật đầu tiên làm giám đốc” và được Tạp chí Echip trao danh hiệu Hiệp sĩ CNTT…

Nguyen-Cong-Hung.jpg

Nguyễn Công Hùng

Đồng cảm với những thiệt thòi của người khuyết tật trên địa bàn mình sinh sống, năm 2003, Nguyễn Công Hùng mở Trung tâm Tin học Công Hùng dành cho những người khuyết tật. Trung tâm đã là người bạn đồng hành với hơn 500 học viên, trong đó có 30% là người khuyết tật được đào tạo và có việc làm.

Chính từ hoàn cảnh sống của mình, Công Hùng nhận thấy, CNTT đã thay đổi cuộc sống, đem lại niềm tin yêu, hy vọng vào tương lai cho những hoàn cảnh tưởng chừng như chỉ còn sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội… Tháng 8/2006, Công Hùng và một số người khuyết tật khác sáng tạo ra website mang tên: www.nghilucsong.net với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm.

Nguyễn Công Hùng thật sự bất ngờ chỉ sau vài tháng hoạt động, website đã trở thành địa chỉ để các bạn trẻ khuyết tật có thể tìm kiếm thông tin miễn phí về nơi dạy nghề, cấp học bổng, tìm kiếm việc làm. Đồng thời, đây là cầu nối giúp các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký nhận lao động là người khuyết tật và tài trợ các quỹ cho người khuyết tật.

Công việc một ngày của Công Hùng còn bận rộn hơn những người bình thường khác. Anh miệt mài o­nline, trả lời khách hàng, cập nhật thông tin lên website và luôn tìm những cơ hội để làm cầu nối giữa người khuyết tật và cộng đồng. Với anh, điều quan trọng nhất làm động lực để những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng là tạo cho họ nghị lực tinh thần, vượt qua được những mặc cảm, hạn chế về thể chất để sống có ý nghĩa.

Nguyễn Công Hùng (người ngồi xe lăn bên trái) cùng nhóm đoạt giải trong cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2008

Website www.nghilucsong.net của nhóm tác giả Trung tâm Nghị Lực Sống mà Nguyễn Công Hùng là trưởng nhóm đã xứng đáng được vinh danh với giải “Nghị lực” tại đêm trao giải Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT năm 2008.

Đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Mạng thông tin du lịch giải trí Việt Nam và thế giới http://www.skydoor.net là website giải trí đầu tiên ở Việt Nam có tính năng mở, tương tác cho phép người sử dụng, các đơn vị du lịch, giải trí tự tạo điểm cung cấp thông tin cho đơn vị mình trên bản đồ hoàn toàn miễn phí.

Sản phẩm này được sáng lập từ 3 thành viên đều là cựu sinh viên khoa CNTT - trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Bùi Đức Minh (trưởng nhóm); Phạm Hữu Ngôn và Hoàng Thụy. Xuất phát từ sở thích đi du lịch và nhu cầu tìm hiểu về địa điểm du lịch, nhóm đã nghĩ tới xây dựng một website để hỗ trợ người đi du lịch tiết kiệm chi phí mà vẫn nắm bắt được thông tin du lịch cần tìm. Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng Skydoor.net đã chiếm vị trí độc tôn trong lễ trao giải Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT 2008.

Trưởng nhóm Skydoor.net Bùi Đức Minh cho biết: Mục tiêu đầu tiên mà các thành viên trong nhóm muốn hướng tới là xây dựng một cổng thông tin du lịch giải trí phong phú với nhiều tính năng hấp dẫn phục vụ cho những người sử dụng có nhu cầu tìm thông tin về du lịch giải trí. Skydoor.net là sản phẩm được nâng cấp từ website http://www.vietnamtravelmaps.com đã được giới thiệu ra công chúng từ tháng 7/2006 và đã đạt giải Nhì cuộc thi “Tiếp thị hình ảnh Việt Nam”.

So với các sản phẩm cùng loại như Google Maps, Yahoo Maps, Diadiem.com… thì Skydoor.net tổ chức lại thông tin địa điểm du lịch theo hệ thống phân cấp dạng Thế giới - Quốc gia - Tỉnh/Thành - Quận/Huyện - Vùng… Đây là cách tiếp cận thông thường từ phía người sử dụng mà các sản phẩm bản đồ hiện nay chưa đáp ứng tốt.

Nhóm Skydoor.net tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2008

Với Skydoor.net, các thành viên trong nhóm Skydoor.net hy vọng sẽ đưa mô hình sản phẩm không chỉ dừng lại là một website của Việt Nam hay một website tiếng Anh về Việt Nam cho người nước ngoài mà sẽ từng bước áp dụng sang các thị trường khác có thế mạnh về du lịch tương tự Việt Nam, quảng bá sản phẩm rộng hơn cho khách hàng.

Đặc biệt, một hướng mới mà những người sáng lập ra sản phẩm cũng đang hướng tới là tính thương mại hoá của sản phẩm. Mô hình kinh doanh của sản phẩm sẽ dựa trên việc quảng cáo hướng địa điểm du lịch. Doanh thu của sản phẩm cũng có thể đến từ nhiều nguồn khác thông qua chức năng hỗ trợ người dùng đặt vé máy bay, khách sạn… Nhóm phấn đấu đưa Skydoor.net trở thành website thông tin du lịch giải trí số một ở Đông Nam Á.

Trưởng nhóm Bùi Đức Minh tin tưởng, cùng với giải thưởng lớn lao này, nhóm sẽ phát triển sản phẩm sang phiên bản tiếng Anh, bổ sung thêm nhiều địa điểm du lịch cho hệ thống. Đúng như tên gọi của sản phẩm Skydoor.net, nhóm hy vọng, đây không chỉ là một website cung cấp những thông tin địa điểm du lịch thuần túy, mà sẽ là nơi mở ra những cửa sổ tri thức về cả văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam; đồng thời là một kênh quảng bá hình ảnh đất nước hòa bình, thân thiện, một điểm du lịch lý tưởng với bạn bè quốc tế.

Những tràng trai của hệ thống LIS

Nhóm tác giả: Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Đức Hùng, Đào Văn Cường, Đào Việt Dũng, Nguyễn Trường Giang, Bùi Thế Vinh, Tạ Duy Hiền là những thành viên sáng tạo ra hệ thống thông tin kết nối khoa xét nghiệm (LIS). Sản phẩm này đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt về lĩnh vực CNTT năm 2008.

Bùi Thế Vinh, thành viên của nhóm sáng tạo ra hệ thống LIS cho biết: Việc sử dụng hệ thống LIS cho các phòng xét nghiệm đã được các bệnh viện hiện đại trên thế giới tiến hành rộng rãi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện lớn ở Việt Nam vẫn chưa đưa vào sử dụng hệ thống này vì kinh phí tương đối lớn. 

Xuất phát từ ý tưởng muốn giúp cho các bệnh viện quản lý hồ sơ xét nghiệm, thông tin bệnh phẩm của bệnh nhân một cách khoa học hơn, các thành viên trong nhóm đã sáng tạo ra hệ thống LIS với những mã vạch rõ ràng. Hệ thống kết nối với máy xét nghiệm để tự động cho bệnh nhân đăng ký xét nghiệm và nhận kết quả tự động do máy xét nghiệm trả ra. Hệ thống LIS này còn tiết kiệm thời gian cho các bác sĩ khi mà trước kia họ phải quản lý mẫu xét nghiệm của bệnh nhân thông qua việc xếp sổ sách một cách rất thủ công và mất nhiều công sức. Với chức năng phân vạch, in mã vạch, hệ thống LIS do các chàng trai trường ĐH Bách Khoa Hà Nội sáng lập ra đã tự sắp xếp một cách rất khoa học và giảm thiểu tối đa các sai số khi bác sĩ thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân./.