Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội mấy năm nay luôn trong tình trạng báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người có tâm lý lạc hậu trọng nam, khinh nữ. Hầu hết gia đình đều nghĩ rằng, chỉ có con trai mới là người nối dõi, là chỗ dựa vững chắc và phải có con trai mới là phụ nữ biết đẻ, đàn ông mới thực sự là đàn ông.

Như trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Việt có 5 con trai. Tất cả đã lập gia đình riêng, trong đó 4 anh lớn cũng đều sinh được 2 cháu trai, chỉ riêng cậu con út sinh được 2 con gái. Vì thế, cả gia đình động viên vợ chồng anh phải sinh được thêm một cậu con trai nữa cho đỡ thiệt thòi.  

 dan-so.jpg
 Vấn đề mất cân bằng giới tính  diễn ra với tốc độ nhanh (ảnh: KT)

 Bằng nhiều biện pháp khác nhau, hiện nay con dâu út của bà cũng đã mang thai cậu con trai và sắp đến ngày sinh. Đó là niềm vui của cả gia đình bà vì bà Việt vẫn còn tâm lý lạc hậu khi nghĩ rằng, nhất định phải có con trai nếu không sẽ bị mọi người khinh rẻ, chê cười. “Nói chung tâm lý thì ai chả muốn có cháu trai. Ngày sau già thì phải có con  trai mà cúng bái. Chỉ có con gái thì lúc ốm đau khổ lắm...”- Bà Việt tâm sự.

Tâm lý muốn có thêm con trai không chỉ có ở những gia đình sinh con gái một bề mà cả những gia đình đã có một con trai vẫn khao khát có thêm đứa con trai thứ 2, thứ 3. Vì không ít người có suy nghĩ như chị Phạm Thị Tuyền ở xã Võng La rằng, cuộc sống bây giờ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn, đuối nước, bệnh tật... mà con trai thường nghịch ngợm hơn nên độ rủi ro cao. Nếu không may mắn có thể sẽ mất đi người nối dõi. Đó cũng là lý do anh chị sinh thêm con trai ở lần sinh thứ ba cho yên tâm, dù đã "có nếp, có tẻ" và bất chấp việc chưa đủ thời gian an toàn cho 2 lần sinh mổ.

Chị Phạm Thị Tuyền cho biết: “Biết là vất vả nhưng đông con mới thích. Vợ chồng vẫn quyết định sinh 3 đứa, tôi thích có 2 trai 1 gái. Con trai vẫn hơn vì sau này về già còn dựa nhờ vào nó”.

Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng và đang trở thành vấn đề báo động. Từ đầu năm đến nay, xã Võng La có 192 trẻ sinh ra thì có tới 118 trẻ trai. Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh của xã lên tới 160/100, tỷ lệ sinh con thứ 3 là gần 9%. Đây thực sự là thách thức đối với công tác dân số trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sinh, ổn định quy mô và cơ cấu dân số.

Trước thực trạng tăng sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, các cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình đã đẩy mạnh công tác truyền thông vận động đến mọi người dân nhưng vẫn gặp không ít khó khăn.

Chị Phan Thị Thịnh, cán bộ dân số của xã Võng La cho biết: “Do điều kiện kinh tế khá giả nên nhiều cặp vợ chồng muốn sinh thêm con để dự phòng. Cũng có một số hộ họ không hợp tác để tuyên truyền, nhà nào cũng kín cổng cao tường, gọi cửa có khi người ta không thưa. Tôi nghĩ phải có chính sách quyết liệt từ cấp trên. Hiện nay mức đóng góp cho quỹ dân số khi sinh con thứ 3 chỉ phải đóng vài trăm ngàn đồng. Nếu các gia đình có ý định sinh con thì mức này đối với họ không có ý nghĩa gì. Phải có văn bản chặt chẽ từ cấp trên thì mới hiệu quả”.

Từ câu chuyện của xã Võng La cho thấy, trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại, những tồn tại của tư tưởng trọng nam khinh nữ đặt ra nhiều thách thức. Bởi vậy, công tác dân số đang đòi hỏi phải được điều chỉnh kịp thời, đáp ứng với những thay đổi nhanh của đời sống xã hội. Đồng thời, phải tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, nâng cao chất lượng dân số, đề cao vai trò và giá trị của người phụ nữ./.