Mặc dù ngành y tế và chính quyền địa phương đã tích cực khuyến cáo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhằm giảm thiểu nguy cơ ngộ độc nấm, song do nấm rừng là thức ăn khá phổ biến và ưa thích của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương nên nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc còn rất cao.
Hàng ngày tranh thủ những lúc nhàn rỗi, bà Y Tha thường đeo gùi lên rẫy, vào rừng kiếm nấm. Với người dân Sê đăng ở làng Long Hy 1, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, nấm rừng là món ăn quen thuộc.
Nấm rừng được người dân hái về bày bán trên hè đường |
Bà Y Tha cho biết, nấm mọc nhiều nhất ở những khu rừng già. Cứ sau mỗi trận mưa kéo dài, vài ngày sau vào rừng nhất định kiếm được nấm về ăn. Nấm không mất tiền mua lại ngon nên người dân rất thích.
Bà Y Tha còn giải thích về kinh nghiệm chọn nấm rừng của mình: “Nấm không ăn được là không lấy. Chỉ nấm mối, nấm mèo đấy thì ăn được. Thấy con gì ăn nấm đấy thì con người ăn được. Ví dụ chuột, chim trong rừng nó không ăn được chắc con người cũng không ăn được!”.
Tại xã Măng Ri, cũng như các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác ở tỉnh Kon Tum, người dân vẫn giữ thói quen đi hái nấm rừng theo kinh nghiệm truyền miệng. Điều nguy hiểm là một số nấm độc có hình dáng, màu sắc khá giống với loại nấm bà con thường ăn nên khó phân biệt.
Anh A Miêu, làng Long Hy 1, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông chỉ cho chúng tôi biết một loại nấm gia đình anh đã ăn và đều bị đau bụng, khiến cả nhà được một phen hú vía: “Bà già trước bảo nấm này là ăn được nhưng ăn đau bụng, quá mệt gần chết luôn. Quá sợ”.
Không có may mắn như gia đình anh A Miêu, giữa tháng 5 vừa qua ở làng Long Hy 1 đã xảy ra một vụ ngộ độc nấm khiến chị Y Poan và cháu Y Búi tử vong. Trong căn nhà ảm đạm, nhắc lại chuyện cũ, bà Y Brun nước mắt tuôn rơi vì xót thương cho con và cháu mình. Bà ân hận vì chính mình là người lên rẫy hái nấm về nấu cho cả nhà ăn.
Ông Phạm Bình Thuận, cán bộ Trạm y tế xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết, người dân địa phương còn rất chủ quan khi sử dụng nấm làm thức ăn. Khi bị ngộ độc lại thường chậm trễ trong việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Theo bác sỹ Đỗ Xuân Thủy, Khoa hồi sức cấp cứu - Trung tâm y tế huyện Tu Mơ Rông, việc phân biệt giữa nấm độc và không độc là rất khó. Bởi vậy người dân cần hết sức thận trọng: “Để phòng tránh người dân nên ăn những loại nấm đã biết rõ nguồn gốc hoặc biết nấm đó là không độc. Còn lại những nấm khác chưa biết nguồn gốc hoặc không phân biệt được nấm độc hay không độc thì không nên ăn. Khi bị nhiễm độc của nấm độc, khuyến cáo với người dân bằng mọi cách phải kích thích gây nôn. Nôn được càng nhiều càng tốt sau đó uống nhiều nước và đến ngay cơ sở y tế”.
Từ đầu mùa mưa đến nay, tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra 4 vụ với 13 người bị ngộ độc sau khi ăn nấm rừng, trong đó 3 trường hợp tử vong. Các vụ ngộ độc nấm đều xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi người dân có thói quen thu hái nấm mọc tự nhiên về chế biến làm thức ăn.
Hiện tại, Tây Nguyên đang là mùa mưa, các loại nấm mọc nhiều và dễ kiếm nên nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ ngộ độc nấm còn rất cao./.