Từ nhiều năm nay, ngay trên đỉnh Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa tồn tại nhiều hạng mục công trình xây dựng trái phép phục vụ du lịch. Thế nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Thực trạng này gây nhiều bức xúc trong dư luận.

vov_nha_ton_1_luds.jpg
hiều bungalow đã được xây dựng dưới tán rừng.

Từ lâu, tại các cửa hàng, đại lý du lịch cũng như các trang mạng đã có nhiều bài viết, hình ảnh giới thiệu, mời chào du khách đến với Khu du lịch Hòn Bà.

Những công trình này được Công ty cổ phần Yasaka Sài Gòn Nha Trang xây dựng trên đỉnh núi cao gần 1.600 mét, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Sau khi vượt qua barie của Trạm kiểm soát Hạt kiểm lâm Hòn Bà, tiếp tục đi vào khoảng 30 km đường nhựa đèo dốc, quanh co, mới đến được Khu du lịch Hòn Bà. Giữa núi rừng nguyên sinh nay đã hình thành một khu du lịch dã ngoại gần như khép kín từ tham quan, lưu trú đến ăn nghỉ.

Các bungalow đã được hoàn thiện.

Án ngữ giữa trung tâm là một khu nhà 2 tầng làm bằng gỗ rộng 100 m2 dựng ngay trên nền trại nuôi ngựa trước đây của Bác sĩ Yersin, tầng dưới được dùng làm nhà hàng, tầng trên làm nhà nghỉ cho du khách.

Một nhân viên Khu du lịch Hòn Bà giới thiệu: “Bungalow mình giá 500 ngàn 1 đêm, đi đoàn, đi tour có thể lên ở trên đây, trên lầu trên. Nó rẻ hơn mà nó lại ấm áp vui. Muốn cắm trại qua đêm, mấy cái sàn trên đó, mấy em làm theo khung khung hết rồi, có lát đá hết, dành để trải cái bạt lên, để người ta ăn uống rồi ở lại, mấy em tính tiền phí đó”.

Giá vé vào tham quan khu du lịch mỗi người là 30.000 đồng. Tại đây cũng có nhiều dịch vụ khác như: chụp ảnh cưới, cắm trại, dã ngoại, đốt lửa trại... Nhân viên nơi đây cho biết mỗi ngày, khu du lịch này đón khoảng 100 lượt khách, riêng những dịp Lễ- Tết thì số lượng khách tăng gấp đôi.  

Cùng đó, nhiều hạng mục đã được xây dựng để phục vu du khách.

Việc xây dựng các công trình này đã được chủ đầu tư tiến hành từ nhiều năm trước. Giữa năm 2012, Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa kiểm tra, kết luận: ngoại trừ nhà làm việc của bác sĩ Yersin đã có sẵn, phần còn lại gồm 1 nhà sàn, 5 bungalow, 2 hồ chứa nước đều do Công ty Yasaka đầu tư, xây dựng. Đây là các công trình nằm trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt Công ty cổ phần Yasaka Sài Gòn Nha Trang 125 triệu đồng vì đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và khu bảo tồn thiên nhiên.  

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật như: lập dự án, xin giao rừng, cho thuê rừng trước khi xây dựng các công trình, tổ chức kinh doanh du lịch. Thế nhưng từ đó đến nay, công ty này vẫn phớt lờ, không thực hiện các quy định.

Nhiều khu đất trống giữa rừng được dành cho cắm trại. 

Điều lạ là các cơ quan chức năng ở tỉnh Khánh Hòa cũng không kiểm tra, xử lý kiên quyết các công trình xây dựng trái phép.

Ông Đống Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yasaka Sài Gòn Nha Trang lại cho rằng việc vi phạm là không có gì: “Cái này nếu như làm đúng các thủ tục thì không biết bao giờ mới xong, đất giao cũng không được. Chỉ giao về biên bản, với giao giữa bên Ban quản lý thôi giữ ở nhiêu đó thôi, đừng làm gì nhiều. Chứ còn bây giờ nếu tụi tui lấy đất vĩnh viễn bao nhiêu năm thì tui biết trên đó tui làm không có được. Cỡ nào nói tôi tôi cũng chịu, giờ biểu tôi gỡ tôi cũng chịu”.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà có hệ động thực vật phong phú với hơn 600 loài thực vật, 60 loài động vật. Khu bảo tồn này nằm trên địa phận 4 huyện ở tỉnh Khánh Hòa, với nhiều dãy núi, trong đó điểm cao nhất gần 1.600 mét.

Theo các cơ quan chức năng, hiện chưa có quyết định nào giao đất cho chủ đầu tư xây dựng tại Khu du lịch Hòn Bà. Trong khi đó, ông Nguyễn Hạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà cho biết khu du lịch này nằm ở vùng bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực rừng giàu.

Ông Nguyễn Hạnh phân bua rằng, các công trình nhà nghỉ, khu du lịch được xây dựng từ trước khi cơ quan ông tiếp nhận quản lý khu vực này: “Cái lịch sử đó cho nên những Bungalow này không có kiểm tra và gần như tôi không có chức năng kiểm tra. Cái hoạt động du lịch này nếu mà vào đúng phân khu nghiêm ngặt đúng là sai. Cái hoạt động trong phân khu này đúng là phân khu nghiêm ngặt, các hoạt động đều phải tiến hành quản lý. Nhưng mà riêng cụm hoạt động du lịch này nó có một sự tồn tại”.

Toàn cảnh khu du lịch xây dựng trái phép tại Khu du lịch Hòn Bà. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cũng không nắm rõ các hoạt động diễn ra ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Cách đây hơn 1 năm tôi có lên đó, tôi thấy một cái nhà hàng, chớ còn bây giờ anh nói hơi mới, xây mấy cái bungalow, tổ chức lưu trú thì tôi phải xem lại giấy phép của ai. Còn cái đây nếu mà giấy phép đàng hoàng, làm mang tính chất bảo vệ thiên nhiên, phải làm bài bản”.

Hoạt động xây dựng, du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đã diễn ra từ nhiều năm nay, khiến nguy cơ cháy rừng, phá rừng, gây ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Dư luận đặt câu hỏi, liệu các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa có bao che cho những sai phạm này?./.