Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tổ chức tổng kết chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái”. Chiến dịch diễn ra từ 9/11 – 11/12 với chuỗi các sự kiện được diễn ra tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Bạn không đơn độc – hãy lên tiếng khi bạn bị bạo lực tình dục”, “Hãy đưa bạo lực tình dục ra ánh sáng – đó có thể là con gái bạn”
 là những thông điệp đưa ra trong  chiến dịch này.
bao_luc_cabr.jpg
Nhạc sĩ Quốc Trung và nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ kết quả của chiến dịch 

Tại buổi lễ, trên cương vị là đại sứ của chiến dịch, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ tình dục chỉ xấu trong cách con người ứng xử với vấn đề này. Trong xã hội văn minh, bình đẳng giới, bình đẳng giữa mọi người với nhau, trong đó bình đẳng về đời sống tình dục là vô cùng quan trọng. Và khi không được sự đồng thuận của bất cứ người tham gia nào, thì tình dục không những là xấu xa, mà còn là tội ác.

Do đó, theo nhạc sĩ Quốc Trung, một xã hội văn minh cần tạo ra sự minh bạch và đưa ra ánh sáng những sai trái, tồi tệ mà những hành vi bạo lực tình dục gây ra.  

“Bạo lực tình dục cần được giải quyết tận gốc. Cần giáo dục không chỉ cho trẻ em gái mà tất cả những em nhỏ nhận thức về cuộc sống. Khi họ biết trân trọng giá trị cuộc sống, giá trị bản thân mình, bản thân các em sẽ biết cách để tự bảo vệ trước bạo lực tình dục. Bởi có yêu thương bản thân mình, các em mới yêu thương mọi người; biết quý trọng cuộc sống của mình thì mới có thể xây dựng cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng” – cựu huấn luyện viên “Giọng hát Việt” chia sẻ.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng tâm sự về cách giáo dục hai con của mình về giới tính: “Tôi không phân biệt con trai hay con gái để có cách tiếp cận khác nhau câu chuyện về giới tính. Nhưng để dạy được các con, đầu tiên mình phải sống tử tế, nhân văn. Với con trai phải trở thành quý ông, với con gái phải trở thành người phụ nữ bao dung và có cách sống nhân văn. Cái khó nhất là dạy con biết trân trọng cuộc sống và biết thương bản thân mình trước. Tôi luôn nói chuyện để giúp các con có kỹ năng nhận biết được giá trị đích thực của đời sống”.

Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội và gia đình là một trong những mối quan tâm lớn của tất cả các nước trên thế giới. Tại các diễn đàn toàn cầu, bạo lực tình dục là việc vi phạm nhân quyền và nhân phẩm, vi phạm Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã tham gia.

Việc lên án các hành vi bạo lực và quấy rối tình dục là rất quan trọng bởi vì tình trạng này còn rất phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, hạnh phúc của con người nói chung và của phụ nữ nói riêng. Ông Huỳnh Vĩnh Ái kêu gọi cần phải thay đổi suy nghĩ và quan niệm của mọi người về nam tính và nữ tính. Bước đầu tiên mà chúng ta có thể làm đó là phá vỡ sự im lặng và lên tiếng về vấn đề này.

Theo các nghiên cứu của quốc tế và ở Việt Nam chỉ ra rằng: 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng trải nghiệm một hình thức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời của họ, có tới 7/10 phụ nữ phải đối mặt với tình trạng lạm dụng này ở một số nước. Ước tính có tới 30 triệu trẻ em gái dưới 15 tuổi vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hủ tục cắt bỏ cơ quan sinh dục, hơn 130 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã từng trải qua hủ tục này trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong 3 dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời./.