Huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam là nơi xảy ra các trận sạt lở núi kinh hoàng vào cuối năm 2020, khiến 30 người chết, hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi. Trong hoạn nạn, đồng bào miền núi càng cảm kích tấm lòng của người dân TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, hướng về giúp đỡ bà con vùng sạt lở.
Bà Trần Thị Phượng ở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn nhớ lại, ngay trong thời điểm vừa xảy ra sạt lở núi, giao thông bị chia cắt, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Thế nhưng ngay trong lúc màn trời chiếu đất đó, hàng trăm đoàn cứu trợ, các nhà hảo tâm từ miền Nam xa xôi đã tìm đến tận nơi giúp đỡ, hỗ trợ bà con Phước Sơn vượt qua nỗi đau mất mát.
Bà Trần Thị Phượng cho biết, khi hay tin Ủy ban Mặt trận huyện Phước Sơn kêu gọi đóng góp hàng hóa, nông sản gửi tặng người dân phía Nam, mọi người đều tích cực tham gia: “Xem thời sự và qua mạng xã hội, tôi thấy tình hình dịch Covid-19 trong Sài Gòn khiến nhiều hộ thiếu thốn. Nhiều người rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Tôi thấy cũng xót ruột nên qua kênh Mặt trận tổ quốc, tôi xin ủng hộ 5 kg thịt và đóng góp một ngày công vận chuyển hàng hóa lên xe”.
Những ngày qua, cán bộ, Đoàn Thanh niên huyện Phước Sơn tích cực vận chuyển hàng hóa, nông sản về địa điểm tập kết. Các Hội viên Phụ nữ thì tranh thủ cả ngày lẫn đêm làm các món ăn khô gửi vào cho người dân nơi tâm dịch phía Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho hay, sáng ngày 2/8, 13 tấn lương thực, thực phẩm do người dân huyện miền núi cao Phước Sơn đóng góp đã vào đến TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
“Qua phát động, tôi thấy mọi người ủng hộ rất nhiệt tình, rất tuyệt vời. Nhân dân huyện Phước Sơn có tinh thần tương thân tương ái và giúp đỡ cho đồng bào thành phố Hồ Chí Minh”, bà Hồng nói.
Còn tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, gần 10 tháng sau vụ sạt lở kinh hoàng, người dân nơi đây đã được bố trí nhà mới trong khu tái định cư Bằng La. Với người dân Trà Leng, cuộc sống trong ngôi làng mới khang trang, nằm bên dòng sông La hiền hòa chính là hiện thân của tinh thần trách nhiệm với nhân dân của các cấp ủy Đảng, chính quyền; là cuộc hồi sinh kỳ diệu đến từ những tấm lòng, sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp và người dân các tỉnh thành phía Nam.
Những ngày qua, bà con dân tộc Mơ Nông nơi đây cùng gom góp những sản vật của núi rừng để gửi vào miền Nam. Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ ngày 29/7 đến ngày 1-8, người dân Trà Leng đã đóng góp gần 2,3 tấn nông sản, nhiều người nghèo cũng rất nhiệt tình đóng góp.
“Sau khi các đoàn thể xã vận động, bà con ai cũng nhiệt tình, từ già đến trẻ ai cũng lên rẫy hái măng, hái rau, hái bí, hái bầu đem xuống xã để đóng góp. Của ít lòng nhiều. Bà con tập kết xuống xã rồi cán bộ xã bốc vác lên xe”, bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.
Không chỉ có những người dân ở xã Trà Leng mà đồng bào ở 9 xã khác của huyện miền núi cao Nam Trà My cũng đã ủng hộ 13,5 tấn nông sản gửi vào phía Nam. Huyện miền núi biên giới cao Tây Giang còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã kêu gọi người dân ủng hộ hơn 12 tấn lương thực, thực phẩm và nông sản chuyển vào tâm dịch TP.HCM.
Địa phương có số lượng người dân tham gia đóng góp nhiều nhất tại tỉnh Quảng Nam là thị xã Điện Bàn với 106 tấn nông sản, nhu yếu phẩm. Đến ngày 2/8, tỉnh Quảng Nam đã ủng hộ hơn 320 tấn lương thực, thực phẩm được vận chuyển vào TP.HCM và các tỉnh thành phố phía Nam.
Ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho rằng, người dân Quảng Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm qua. Thế nhưng, thời điểm này, dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam nên bà con Quảng Nam mong muốn được san sẻ khó khăn với người dân các địa phương phía Nam.
“Mỗi khi gặp thiên tai, dịch bệnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn dành tình cảm, chia sẻ trách nhiệm của mình, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho Quảng Nam. Xuất phát từ tình cảm ấy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã vận động để kịp thời hỗ trợ, với mong muốn chia sẻ, góp một phần nhỏ bé của mình để TP.HCM sớm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19”, ông Lê Thái Bình bày tỏ./.