Tại nhiều tuyến đường nước ngập đến yên xe máy dù mới được đầu tư kinh phí lớn để chống ngập, trong khi những điểm vừa được công bố xoá ngập thì nước vẫn lênh láng từ đường vào hẻm khiến người dân khốn đốn. 

Với nhiều lý do khác nhau, các dự án chống ngập ở TP HCM cũng đang đồng loạt bị chậm tiến độ. Chính quyền thành phố cùng các ngành chức năng lại vẫn loay hoay tìm giải pháp chống ngập trong mùa mưa.

chong_ngap_vov_ygjx.jpg
Người dân TP HCM phải dắt xe máy mỗi khi mưa lớn khiến nước ngập đến nửa xe
Chiều tối 19/5 vừa qua, trong cơn mưa lớn, cảnh người trong nhà be bờ, tát nước, người ngoài đường bì bõm cùng xe máy, xe đạp tái diễn trên đường Huỳnh Tấn Phát - con đường huyết mạch trải dài từ Nhà Bè, Quận 7 đổ lên trung tâm TP HCM dài hơn 11 km.

Gia đình bà Nguyễn Thị Xinh, nhà ở mặt tiền đường Huỳnh Tấn Phát cho biết, nhiều đêm mưa xuống, triều cường lên khiến gia đình bà phải thức chờ tới sáng mới dám đi ngủ. Nước triều, nước mưa ngập ướt nệm dù phòng ngủ cách miệng cống cả chục mét. Nhà bà đã xây gờ chắn, kê thêm ván gỗ trước cửa nhưng vẫn không ngăn được nước tràn vào nhà nếu mưa như chiều 19/5 vừa rồi.

Bà Nguyễn Thị Xinh nói: “Có cái võng này ổng nằm đây thôi cô thức canh tát nước. Chứ cô đâu nói xạo đâu. Mấy cái ghế này là để nệm lên, cất sẵn, chứ ai để ghế trong phòng chi dợ. Đó. Trời ơi để trên cao hết, có cái tủ để trên cao hết. Còn cái tủ này coi như là ướt hết trơn không dám để luôn á. Có thùng tủ để lên cao vậy đó”.

Những trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ trong những ngày qua cũng khiến hàng loạt tuyến đường ở nhiều quận, huyện như Phan Huy Ích, Nguyễn Hồng Đào, Trương Công Định (quận Tân Bình), Nguyễn Văn Quá (Quận 12); Cây Trâm, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp); An Dương Vương, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)… bị ngập nặng.

Các tuyến đường vừa được công bố xoá ngập như: Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm ở quận Bình Thạnh, Tân Hương ở quận Tân Phú cũng chung cảnh ngộ. Đặc biệt, đường Nguyễn Xí đoạn từ chân cầu Đỏ đến giao lộ Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, nước ngập đến tận yên xe máy khiến hàng loạt phương tiện lưu thông qua đây chết máy, ô tô chạy qua tạo sóng xô nhiều người và xe máy ngã nhào.

Cuộc sống người dân TP HCM rất vất vả mỗi khi đường ngập

Ông Lê Văn Ty, người dân sống ở đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP HCM nói: “Ngập người ta đi không được, lội dữ lắm. Lúc vào đây lúc nào triều cũng lên hết. Mỗi năm mỗi lên, nước ròng thì nó lê. Nước ròng thì nó lên dữ lắm, lên ngập cái xe không chạy được luôn. Trời mưa thì nó ứ lại hết, nó ứ không có rút. Nói chung là lúc nào cũng có hết, lúc nào cũng có nước ngập hết. Nước ngập ở đây xe chạy người ta tắt máy liên tục”.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM, trong năm 2016 và 2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Nhưng thực tế những cơn mưa đầu mùa vừa qua, nhiều tuyến đường trong số này vẫn liên tục ngập nặng. Có nơi nước ngập hơn nửa mét, từ ngoài đường vào hẻm, tràn vào nhà dân. Các chương trình chống ngập cùng hàng loạt dự án đã được triển khai song ngập úng vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí, có nơi càng chống càng ngập khiến người dân đặt câu hỏi về hiệu quả của các công trình nâng đường, thay cống... nhằm chống ngập.

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM cho biết, chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn này là giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa; 23 tuyến đường ngập nước xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách; 179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều cường. Nhưng đến nay mới giải quyết được 4/9 tuyến đường ngập do triều cường do một số dự án chống ngập chậm tiến độ. Việc xử lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch, cống thoát nước tại các quận, huyện vẫn còn khá chậm cũng là nguyên nhân gây ngập mỗi khi có mưa lớn.

Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến công tác chống ngập là thiếu vốn. Theo ông Dũng, thành phố dự kiến tổng số vốn cho chống ngập hơn 73.000 tỉ đồng, trong đó có giải pháp là thực hiện dự án bằng các hợp đồng hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, đến nay vốn ngân sách của thành phố và trung ương chỉ huy động được hơn 26.800 tỉ đồng. Việc sắp xếp lại các dự án theo hình thức BT, hợp đồng PPP cũng dẫn đến một số khó khăn về vốn.

Chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2016-2020 sẽ giải quyết 9 tuyến đường ngập do triều cường. Tuy nhiên kết quả đạt được chỉ có 4 tuyến đường, do một số dự án hiện nay chậm tiến độ, trong đó có dự án kiểm soát triều cường. Và vừa rồi do khó khăn về nguồn vốn, cái tiến độ không đạt được như đề ra theo cam kết của nhà đầu tư là hoàn thành vào 30/4/2018 và hiện nay thì phải rời tiến độ vào 30/4/2019”, ông Dũng nói.

Mỗi dự án chống ngập chậm tiến độ ở TP HCM lại có một đặc thù khác nhau. Có dự án bị ách tắc nguồn vốn, có dự án bị chậm trễ vì công tác giải phóng mặt bằng hay nhiều dự án chưa thể triển khai vì lý do phức tạp khác. Thậm chí, ngay cả công tác chống ngập ở thành phố cũng chưa “quy về một mối”, dù thành phố đã thành lập hẳn một Trung tâm Điều hành chống ngập trực thuộc UBND. 

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, dân số tăng nhanh gây áp lực lên hạ tầng cũng đang trở thành một trong những nguyên nhân gây ngập. Trong khi đó, các quy hoạch như thủy lợi, cấp thoát nước chưa kết nối được với quy hoạch chung của thành phố dẫn tới tình trạng kết nối không đồng bộ. Để chống ngập hiệu quả thì thành phố cần phải có một "nhạc trưởng" đóng vai trò kết nối các quy hoạch lại với nhau:

Ngập nước tại thành phố chúng ta có rất nhiều nguyên nhân, cho nên giải pháp của chúng ta là cả về công trình và phi công trình phải hết sức đồng bộ. Đứng về phía quản lý nhà nước ở thành phố này thì chúng ta phải kết nối như thế nào, phải phối hợp như thế nào? Bởi vì việc cấp nước, thoát nước thì không phân biệt quản lý hành chính, không phân biết ngành này ngành nọ. Cho nên Trung tâm Chống ngập phải có giải pháp trong thời gian sắp tới”, ông Thành Phong cho biết.

Theo các chuyên gia, việc các công trình chống ngập không phát huy hiệu quả, cũng là một phần nguyên nhân làm cho tình trạng ngập thêm nặng nề như hiện nay. Đồng thời, việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, chống ngập chạy theo hiện trạng “ngập đâu chống đó” khiến các công trình không được đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả và khiến thành phố vẫn mãi loay hoay với ngập./.