Khi nghe tin Đại tướngVõ Nguyên Giáp qua đời, bà con nhân dân trong khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở quê hương huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vô cùng thương tiếc.

Anh Hoàng Sơn Tùng (ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời làm nghẹn lòng tất cả người dân cả nước nói chung và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Anh Tùng nói: “Khi nghe tin Bác ra đi, bản thân tôi cũng như người dân địa phương ai cũng buồn, thương tiếc. Thế hệ trẻ chúng tôi mãi mãi ghi nhớ, không bao giờ quên được công ơn của Bác cống hiến cả cuộc đời cho đất nước cũng như cho quê hương”.

quehuongtuong.jpg
Người dân ôm tượng của Đại tướng khóc nức nở (Ảnh: Dân trí)

Bà Trần Thị Liên (70 tuổi) - cháu bên ngoại gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng bác, khi nhận được tin đã tìm về nhà lưu niệm Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, khóc trước bức tượng của Đại tướng.

Bà Liên nhớ lại: “Mỗi lần về quê, bác thường cho quà, dặn dò nhắc nhở bà con. Hồi đang còn khỏe,  bác thường ra thẳng dòng sông để chèo đò, nghe hát hò khoan”. 

Cũng trong đoàn người đến thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tá Phạm Hữu Tuân - Chính trị viên phó - Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy chia sẻ về kỷ niệm trong một lần được gặp Đại tướng: “Lúc đó, tôi là học sinh của trường cấp 3 huyện Lệ Thủy. Đại tướng về thăm nhà trường và căn dặn học sinh là phải cố gắng học tập, xứng đáng là con em của huyện Lệ Thủy anh hùng. Một trong những truyền thống quý báu là học thật tốt để xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cống hiến sức mình cho Tổ quốc, cho quê hương”. 

Được gặp Đại tướng, nghe lời dặn dò của ông, anh Phạm Hữu Tuân đã trở thành một quân nhân để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân./.