Trong 2 thập kỷ qua, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% theo chuẩn nghèo quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, đó là: tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững; tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 – 70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 47% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần (năm 2010) lên khoảng 9,4 – 9,5 lần (năm 2012)…
PV phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, nhân Ngày Quốc tế chống đói nghèo và Ngày Vì người nghèo của Việt Nam (17/10).
Xuất hiện dạng nghèo mới ở đô thị
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền |
PV: Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng những năm qua tại nước ta?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:Nguyên nhân cơ bản là do tốc độ phát triển kinh tế và đầu tư của các tổ chức quốc tế vào Việt Nam thời gian qua tương đối nhiều. Trên cơ sở đó, những người có vốn, tiềm lực, cùng sự hợp tác với nước ngoài sẽ bứt phá rất nhanh. Do đó, họ sẽ có thu nhập cao. Trong khi đó, hầu hết hộ nghèo khó có điều kiện bứt phá, do họ không có nguồn lực và điều kiện. Chính vì vậy, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng giãn ra.
PV: Được biết, các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện giữa những nhóm dân di cư và nhóm lao động phi chính thức, vậy chúng ta đã có chính sách gì cho nhóm đối tượng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đúng vậy, các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện giữa những nhóm dân di cư và nhóm lao động phi chính thức, do suy giảm kinh tế. Theo các nghiên cứu gần đây, trong năm 2012, Việt Nam đã có khoảng một triệu lao động dịch chuyển từ nhóm chính thức sang nhóm phi chính thức. Những nhóm lao động này không tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội và dịch vụ xã hội, do họ không có giấy đăng ký nơi thường trú.
Thực tế, các cơ quan giúp việc mới chỉ rà soát được hộ nghèo đối với những hộ có hộ khẩu thường trú tại địa bàn, trong khi số lượng gia đình nghèo chuyển từ nông thôn lên thành thị sinh sống mà không có hộ khẩu chính thức liên tục tăng.
Chính phủ tiếp tục ưu tiên ngân sách giảm nghèo cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số |
Chính phủ có giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu về nhóm đối tượng này để có những đề xuất chính sách, có hướng cụ thể, làm sao để đối tượng di cư từ nông thôn lên thành thị có điều kiện tiếp cận các chính sách giảm nghèo, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Hiện nay, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo phối hợp với Ngân hàng Thế giới đang tiến hành nghiên cứu về thực trạng giảm nghèo ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, nơi có nhiều người nông thôn di cư tới. Trên cơ sở đánh giá đó, Bộ sẽ có những chính sách cụ thể.
PV: Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nguồn thu ngân sách giảm, do đó những chỉ tiêu đặt ra trong Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2012 – 2015 khó có thể đạt được. Bà đánh giá vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:Đúng là trong điều kiện hiện nay, người nghèo là nhóm đối tượng dễ bị tác động. Tuy nhiên, trong khi các nguồn thu không không đạt, thì quyết tâm của Chính phủ là các chỉ tiêu và nguồn lực dành cho xóa đói giảm nghèo là phải giữ nguyên, bằng hoặc cao hơn. Đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ.
Với trách nhiệm là một Bộ phụ trách về an sinh xã hội và qua theo dõi việc triển khai thực hiện, chúng tôi nhận thấy có thể cơ bản chúng ta đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2015.
Hướng tới nhóm cận nghèo và mới thoát nghèo
PV: Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian tới, nhiệm vụ giảm nghèo cần đặt ra là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:Thứ nhất,tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các vùng nghèo nhất, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội cùng Nhà nước thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững thu hẹp khoảng cách;
Thứ hai,việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững; các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo.
Thứ ba,khuyến khích tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo; việc hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng, nhưng cần xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người dân; phải làm cho người dân tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, giai đoạn tới, chính sách nghèo cần được gắn với điều kiện, hạn chế việc hỗ trợ cho không; đồng thời quy định thời hạn tối đa hộ nghèo được hỗ trợ chính sách (từ 3 đến 5 năm) nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Thứ tư,chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều, nhằm tăng độ bao phủ chính sách tới các đối tượng và thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả hơn. Đây cũng là phương pháp tiếp cận đã được Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới khuyến nghị các quốc gia cần nhanh chóng chuyển đổi trong giải quyết mục tiêu nghèo đói thời gian tới. Việt Nam cũng sẽ là nước đi đầu để thực hiện các khuyến nghị này.
Chính phủ Việt Nam cũng đã giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi, trình Chính phủ phê duyệt để áp dụng sau năm 2015.
Thứ năm,tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác, hợp tác hiệu quả với các tổ chức Quốc tế, đẩy mạnh hợp tác với các nước về trao đổi kinh nghiệm, vốn và kỹ thuật cho công cuộc giảm nghèo.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015, các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được:
- Phấn đấu 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Phấn đấu đến năm 2015:
+ 85% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa.
+ 60% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa.
+ 100% trung tâm xã có điện; trên 90% thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh;
+ Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng.
- Thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15 - 20%/năm; bình quân mỗi năm có 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo.
- 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, bản và cán bộ đoàn thể được tập huấn về kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án; lập kế hoạch có sự tham gia của người dân; phát triển cộng đồng.