Ngày 16/10 tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Đại sứ quán Ireland tổ chức “Diễn đàn giảm nghèo – Tầm nhìn tương lai” để kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10). Diễn đàn tập trung vào vào chủ đề “Cùng nhau hướng đến một thế giới không phân biệt đối xử: Kế thừa kinh nghiệp và hiểu biết về người nghèo cùng cực”.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Trong 2 thập kỷ qua, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% theo chuẩn nghèo quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức lớn, đó là: tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững; nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 – 70%; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần (năm 2010) lên khoảng 9,4 – 9,5 lần (năm 2012).
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Diễn đàn |
Trong khi đó, các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện giữa những nhóm dân di cư và nhóm lao động phi chính thức, do suy giảm kinh tế. Theo các nghiên cứu gần đây, trong năm 2012, Việt Nam đã có khoảng một triệu lao động dịch chuyển từ nhóm chính thức sang nhóm phi chính thức. Những nhóm lao động này không tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội và dịch vụ xã hội, do họ không có giấy đăng ký nơi thường trú.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững từ nay đến năm 2020, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các vùng nghèo nhất, khu vực đồng bào thiểu số; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng đối tượng là hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, khuyến khích tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo; chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều lên đa chiều, nhằm tăng độ bao phủ chính sách tới các đối tượng và thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả hơn.
Thông tin từ Diễn đàn cho biết, được sự hỗ trợ từ phía Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã trở thành một trong số 20 quốc gia tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng các phương pháp đo lường nghèo đa chiều, để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng nghèo và thiết kế các chính sách, chương trình mục tiêu phù hợp hơn.
TS. Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng: Để thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo tất cả các nhóm dân cư đều đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015, việc xây dựng một kế hoạch toàn diện đẩy nhanh tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ ở những vùng còn thiếu sẽ là bước tiếp theo cần triển khai.
Theo bà Pratibha Mehta, cần khuyến khích người nghèo nói lên tiếng nói của mình, trao quyền để họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo, cũng như để họ được tham gia vào quá trình lập kế hoạch và giám sát các chương trình xóa đói giảm nghèo.
Theo Liên Hợp Quốc, các cuộc tham vấn cho chương trình giai đoạn sau năm 2015 diễn ra gần đây ở Việt Nam cho thấy, người nghèo, người di cư, người tàn tật và người nhiễm HIV đều có mong ước được bình đẳng và trở thành người có ích trong xã hội để đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước./.