Do thiếu hệ thống đường giao thông song hành và lối đường hầm đi qua đường cao tốc Trung Lương, nên nhiều người dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bất đắc dĩ phải đi bộ ngang mặt đường hoặc "chui" qua ống cống thoát nước để qua đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương.

Dù chính quyền và ngành chức năng địa phương đã kiến nghị đến đơn vị chủ quản đường cao tốc và Bộ Giao thông Vận tải nhưng giải pháp để khắc phục tình trạng này chưa được bàn đến. 

loi_di_1_maep.jpg
Người dân khổ sở chui qua cống thoát nước để đi qua đường cao tốc TP HCM- Trung Lương

Hơn 4 năm qua, khi tuyến đường cao tốc TP HCM- Trung Lương đưa vào sử dụng thì nhiều người dân ở xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang phải chui qua ống cống thoát nước để đi qua phía bên kia đường cao tốc này.

Mỗi ngày, gần 100 lượt nông dân ra đồng, công nhân đến nhà máy, học sinh đến trường... đều bất đắc dĩ phải "chui" qua cống thoát nước. Bởi khi xây dựng Dự án đường cao tốc TP HCM- Trung Lương ở khu vực ấp Tân Thạnh, Tân Quới và Tân Phú 2, xã Tân Lý Đông, không có thiết kế, xây dựng đường hầm đi qua tuyến đường này như các khu vực khác. Trong khi đó, cống thoát nước này hình tròn có đường kính 1,5 mét, dài trên 50 mét, nên dù chật hẹp, có nhiều nước ngập kém vệ sinh nhưng người dân cũng cố gắng "chui" qua.

Vì bên phía Đông của đường cao tốc không có đường giao thông song hành nên người dân cũng không thể đi qua lộ bằng tuyến đường khác. Một số khu vực khác, khi đi thăm đồng, người dân còn đi bộ băng qua mặt đường cao tốc, rất nguy hiểm cho tính mạng.  

Ông Võ Thanh Tùng, người dân xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bức xúc: “Bà con trồng khoai nhưng không có đường vận chuyển xuống nên buộc phải băng qua lộ. Mặc dù biết rằng ở đây rất nguy hiểm nhưng chuyện bắt buộc phải làm. Nếu mà tính từ trên đó mà đẩy xuống dưới kia thì công vận chuyển, bà con nông dân lỗ hết. Cái cống này thì chui qua, nhiều khi đụng đầu sưng luôn. Hiện nay, người dân yêu cầu làm tuyến đường đi, bên kia làm kênh bơm nước cho lúa bà con”.

Không chỉ thiếu đường giao thông qua lại và dọc theo đường cao tốc mà tại khu vực này còn thiếu tuyến kênh thủy lợi để cung cấp nước cho sản xuất của nông dân. Bởi tuyến kênh thủy lợi trước đây giờ đã nằm trong hành lang bảo vệ đường cao tốc, không phát huy hiệu quả. Vào mùa nắng, hàng trăm ha hoa màu, lúa của nông dân bị thiếu nước, thiệt hại lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: “Từ trước đến nay, chưa có mở con đường dân sinh cho dân. Các hộ dân nói là đi đường vòng thì quá xa, mất cả tiếng đồng hồ mới ra được tới cống chui. Hộ dân cũng phiền dữ lắm, vì xe mới mua bị hư hết. UBND xã kiến nghị là mở đường dân sinh giúp cho dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Còn về nước sản xuất thì địa phương kiến nghị nên cho vét con kênh cũ. Còn nếu không địa phương sẽ họp dân, vận động dân hiến đất để mở kênh mới”.

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đề nghị đến các Bộ, ngành Trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết.

Dù Dự án đường cao tốc TP HCM- Trung Lương đã hoàn chỉnh nhiều năm nhưng những bất cập phát sinh gây bức xúc đối với người dân sở tại cần được ngành chức năng, mà cụ thể là Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và Bộ Giao thông Vận tải sớm quan tâm, giải quyết để ổn định đời sống dân sinh và an toàn trên tuyến giao thông này./.