Sống tại khu vực đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ninh nhưng nhiều người dân ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả lại luôn nơm nớp nỗi lo sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và cả tính mạng, nhất là trong mùa mưa bão.

vov_sat_lo_fclj.jpg
Tảng đá 10 tấn rơi từ trên núi xuống nhà dân tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.
Đêm 26/7 vừa qua, tại khu 1A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, một tảng đá nặng 10 tấn bất ngờ từ trên núi lăn xuống làm sập 2 căn nhà, 1 người tử vong, 2 người bị thương.

Bà Lê Thị Khoát, một người dân sống trong khu vực này cho biết, sau vụ tai nạn, nhiều gia đình đã dời đi, còn những nhà chưa đủ điều kiện di dời vẫn phải sống bám dưới chân núi đá.

"Nhà tôi ở đây hơn 20 năm rồi, nhưng đợt này mưa gió, đá to rơi xuống nên rất sợ", bà Khoát lo lắng.

Đây không phải là vụ tai nạn hiếm hoi vì đá lở ngay trong khu vực đô thị của Quảng Ninh. Núi Bài Thơ tại trung tâm TP Hạ Long cũng đã vài lần lở đá, gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân được cho là do Quảng Ninh có tới 80% diện tích là đồi núi, Hạ Long hay Cẩm Phả đều là những đô thị ít mặt bằng nên nhiều khu dân cư phải bám dưới chân núi đá cheo leo. Vào mùa mưa bão, người dân không khỏi lo lắng khi những tảng đá có thể “từ trên trời rơi xuống” bất cứ lúc nào.

Nhiều khu dân cư ở TP Hạ Long sống men theo chân đồi, nơi đang thi công các dự án bất động sản.
Nếu cho lở đá là tác động của tự nhiên, thì việc đất đá trên đồi sạt lở, việc lũ bùn trôi thành dòng, tràn xuống nhà dân mỗi khi mưa lớn lại là tác động của con người. TP Hạ Long đang có không ít dự án bất động sản trên đồi, ngay trên đầu hàng trăm hộ dân đang sinh sống như Dự án khu biệt thự khách sạn Monaco Hạ Long, hay Dự án khu biệt thự Đồi Thủy sản tại khu 8, 9 phường Bãi Cháy.

Vài năm gần đây, từ khi các đơn vị thi công bắt đầu chặt cây, tạo mặt bằng, đã có không ít lần đất đá, nước bùn từ trên công trường ồ ạt trôi xuống theo mưa lớn, lấp kín nhà dân, mặt đường, cống thoát nước... Sau mỗi trận mưa, hồ điều hòa dưới chân đồi nhuộm đỏ màu bùn đất.

Anh Nguyễn Thành Long, người dân ở tổ 6, khu 9, phường Bãi Cháy cho biết, mặc dù dự án đã từng bị “tuýt còi”, nhà đầu tư cũng đã xây kè, trồng cỏ mái taluy nhưng đến nay tình hình vẫn không được cải thiện là bao.

"Từ đầu mùa đến giờ 10 lần rồi, cứ mưa là đất tràn lấp cống, không thoát kịp lại tràn vào nhà dân, đường của xóm nên người dân rất lo", anh Long chia sẻ.

Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh với 1.758 hộ, kinh phí trên 2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên phần lớn các hộ dân thuộc diện di dời theo đề án này sống ở chân các bãi thải và khai trường khai thác than, khu vực nguy cơ sụt lún cao. Còn tại khu vực chân đồi núi, dưới chân các dự án dân cư còn biến động nên việc đánh giá tác động chưa được thực hiện đầy đủ.

Tình trạng nước mưa kéo theo bùn đất tràn xuống đường từ các dự án đã trở nên quen thuộc ở TP Hạ Long.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc sạt lở, ngập lụt trong khu vực đô thị chính là mặt trái của tốc độ phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng. 

"Chúng tôi đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở để chủ động di dời dân ra khỏi khu vực này. Công tác quy hoạch khu dân cư, công tác đánh giá ảnh hưởng của các hình thái thiên tai đến quy hoạch phải được đánh giá một cách đầy đủ, chính xác, phù hợp với thực tiễn, hạn chế tối đa tác động của con người vào thiên nhiên," ông Phương nói.

Bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, người dân đang sinh sống tại các khu vực này cũng cần chủ động nâng cao ý thức, phối hợp với lực lượng chức năng di dời khi cần thiết, hạn chế tối đa khả năng thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai, mưa bão gây ra./.