Đeo khẩu trang khi ra ngoài hay đến nơi công cộng; không tụ tập đông người; ở nhà chỉ ra ngoài khi cần thiết; đóng cửa các dịch vụ không cần thiết… là những việc người dân ở nông thôn của Bình Dương đã làm theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội. Thực tế này không như suy nghĩ của nhiều người cho rằng, ở càng xa trung tâm, người dân sẽ càng thờ ơ, chủ quan. 

Đối với người lớn tuổi ở các vùng nông thôn, mỗi ngày sau bữa ăn sáng họ lại gặp nhau cùng nhâm nhi tách trà, ngụm cà phê và làm vài ván cờ. Thế nhưng hiện nay thú vui tao nhã ấy được các chú, các bác gác lại theo lời kêu gọi của Thủ tướng cả nước chung tay phòng, chống dịch.

Từ khi thực hiện các chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, người cao tuổi ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Dương thay đổi hẳn thói quen mỗi ngày.

vov_bd1_cuht.jpg
Các hàng quán ở xã vùng sâu, vùng xa của Bình Dương đóng cửa phòng dịch Covid-19

Ông Nguyễn Công Danh (63 tuổi), người dân xã Thanh Tuyền cho biết, vì sức khỏe bản thân, an toàn cho mỗi gia đình, nên mấy ông "bạn cờ" hẹn ông sau dịch sẽ tiếp tục hội họp. Mặt khác, ngày nào hệ thống loa phát thanh cũng ra rả thông tin bệnh dịch, lâu lâu cán bộ xã đến từng nhà nhắc nhở người dân không nên tụ tập đông người, ở nhà để phòng, chống dịch thì bản thân cũng phải có ý thức.

 “Cách đây mười mấy ngày tôi không đi nữa, ở nhà chơi với con cháu hoặc mua đồ về nấu cho các cháu ăn. Tôi đi đâu cũng mang khẩu trang, về nhà lại rửa tay bằng xà phòng, cách ly người với người”, ông Danh tâm sự.

Kể từ khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, bà Huỳnh Thị Quyên (58 tuổi), người dân ở xã An Bình, huyện Phú Giáo ít đi ra đường và đặc biệt không qua nhà hàng xóm chơi như trước kia. Bà luôn động viên con cháu khi có những công việc thực sự cần thiết mới ra đường, như đi mua nhu yếu phẩm…

Bà Quyên trải lòng, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, Đảng, Nhà nước đã đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên hàng đầu, vì vậy, mỗi người dân cần có những hành động thiết thực xuất phát từ trái tim đối với Tổ quốc để cùng toàn Đảng, toàn dân đồng lòng vượt qua dịch bệnh.

 “Mình tự bảo vệ bản thân khi đi ra đường kỹ một tí, trời lạnh ra sương sớm thì mặc thêm áo khoác và đeo khẩu trang. Trước kia chưa có dịch bệnh còn ghé chơi nói chuyện với những người thân thích, bây giờ thì không. Giờ về đến nhà đóng cửa lại thôi chứ không đi đâu nữa”, bà Quyên chia sẻ.

Để người dân nông thôn hiểu mức độ nguy hiểm, lây lan của dịch bệnh Covid-19, cán bộ từ xã đến ấp đã “đi tận ngõ, gõ tận nhà” để tất cả cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Các xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn thành lập tổ cộng tác viên phòng chống dịch ở khu phố, ấp để vận động nhân dân khai báo y tế qua phần mềm, nắm tình hình người từ vùng dịch về để thông báo báo cho cơ quan chức năng theo quy định. UBND các xã còn lập danh sách người khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để có biện pháp hỗ trợ. 

Ở các xã vùng xa xuất hiện các xe bán hàng lưu động phục vụ người dân.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết, khi giá khẩu trang tăng cao, người dân khó mua để sử dụng thì cán bộ Hội phụ nữ xã vận động chị em cắt may tặng hơn 4.500 cái. Những người nghèo bán vé số trong xã cũng được lập danh sách gửi về thị xã Bến Cát để được hỗ trợ theo quy định.

“Địa phương cũng vận động 80 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn; 40 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà trọ cho công nhân ở địa bàn xã An Điền”, ông Liêm cho biết.

Thời điểm này đang là thời gian vàng để phòng chống dịch Covid-19, cho nên người dân ở nông thôn đến thành thị đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi, để trả lại cuộc sống bình yên cho người dân./.