Sau bão số 9, nhiều tàu cá từ khơi xa trở về Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng với sản lượng khai thác đạt khá. Theo kinh nghiệm đi biển, cứ khi có áp thấp, có bão thì các đàn cá lại tìm cách di chuyển tránh trú. Ngư dân chỉ cần đón được các luồng cá là có những mẻ lưới cá đầy khoang. Do đó, ngư dân ai nấy cũng đều tranh thủ đánh bắt, kiếm thu nhập.
Nhanh tay bốc dỡ cá bán cho thương lái, ngư dân Lê Văn Thiên, ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng phấn khởi cho biết, đi biển mùa này vất vả nhưng lại bắt được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao: “Chuyến biển vừa rồi tôi đánh bắt được 2 tấn cá, bán được 300 triệu đồng. Nói chung về tới cảng này là bán hết cá liền. Ra ngoài biển cũng có lực lượng kiểm ngư, biên phòng giúp đỡ nên ngư dân chúng tôi cũng làm ăn yên tâm”.
Mùa biển động thường kéo dài từ tháng 10 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau. Để đảm bảo an toàn khi ra khơi, thời gian qua, nhiều chủ tàu ở Đà Nẵng đã đầu tư nâng công suất tàu thuyền, mua sắm ngư cụ và lắp đặt các thiết bị hiện đại như bộ đàm, máy tầm ngư... để phối hợp với trong bờ theo dõi thời tiết, chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm khi có tin bão hay áp thấp nhiệt đới.
Mấy ngày nay, ngư dân Lê Em ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng tranh thủ ở nhà sửa chữa ngư cụ, chuẩn bị cho chuyến biển mới. Hơn 40 năm gắn bó với nghề biển, ông Lê Em cho biết, nghề này thường xuyên đối mặt với rủi ro, nhất là khi biển động. Bây giờ, ngư dân ra khơi không chỉ dựa vào kinh nghiệm mà có sự hỗ trợ của công nghệ nên bảo đảm an toàn hơn.
“Kinh nghiệm của tôi là khi thấy ít cá, trời động thì tôi cho tàu nhanh chóng về bờ. Anh em, bạn thuyền trên biển của tôi cũng điện thoại qua lại nói chuyện khi ra khơi phải theo dõi thời tiết để tránh trú”, ngư dân Lê Em nói.
Đà Nẵng hiện có hơn 1.200 tàu thuyền thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên biển. Đồng hành với ngư dân, các cơ quan chức năng luôn khuyến cáo chủ tàu, thuyền chấp hành các quy định khi đánh bắt trên biển, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, chủ động liên lạc với các cơ quan chức năng mỗi khi gặp sự cố.
Ông Trần Công Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy sản phối hợp với Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng thường xuyên liên lạc và khuyến cáo các tàu hoạt động khai thác thủy sản trên biển khi có áp thấp nhiệt đối, khi có thiên tai, có bão xảy ra. Để bà con tìm cách tránh hướng bão, khẩn trương vào bờ hoặc nơi trú ẩn an toàn”./.