Sáng nay (5/12), tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế “Truyền thông đại chúng Việt Nam với Biến đổi khí hậu”. Hội thảo do Học viện Báo chí & Tuyên truyền phối hợp với Văn phòng Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam tổ chức.

Tham dự hội thảo có ông Erwin Schweisshelm – Trưởng Đại diện viện FES tại Việt Nam; PGS.TS Phạm Huy Kỳ – Phó Giám đốc Học viện; TS. Lưu Hồng Minh – Trưởng Khoa Xã hội học cùng các đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức phát triển, đại diện các cơ quan báo chí, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

hoi%20thao%20bdkh.jpg

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Huy Kỳ - Phó Giám đốc HV Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Biến đổi khí hậu (BĐKH) có ảnh hưởng toàn cầu và hiện là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH. Tuy nhiên, hiện nay hiểu biết và nhận thức của công chúng về BĐKH còn chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính là do truyền thông còn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề BĐKH.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông đại chúng trong việc góp phần tăng cường nhận thức của công chúng, huy động lực lượng xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ tác động của BĐKH. Qua đó hội thảo tập trung thảo luận về các hoạt động truyền thông BĐKH hiện nay đồng thời kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả của truyền thông đại chúng với BĐKH.

Kết quả nghiên cứu định lượng từ khoa Xã hội học (HV Báo chí và Tuyên truyền) cho thấy số lượng các bài báo viết về những vấn đề, hiện tượng liên quan đến BĐKH còn rất ít, các bài báo còn chưa nhìn thấy rõ mối liên hệ giữa các hiện tượng thiên tai với BĐKH, thiếu tính định hướng công chúng về vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế BĐKH. Hầu hết các bài báo còn hời hợt, thiếu sinh động, đầy đủ, đúng đắn về BĐKH.

Một giải pháp quan trọng mà các đại biểu đưa ra trong tình hình hiện nay là đẩy mạnh truyền thông về BĐKH trong các trường đào tạo báo chí, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên am hiểu và có trách nhiệm với BĐKH. Cụ thể, các trường đào tạo báo chí có thể nhanh chóng lồng ghép, đưa chuyên đề Truyền thông về BĐKH vào chương trình học tập, phối hợp công tác giảng dạy chuyên đề này với các Viện nghiên cứu và các cơ quan khác. Đồng thời tận dụng các phương tiện truyền thông hiện có để thực hiện các gói dự án về Truyền thông BĐKH, liên kết các cơ quan báo chí để thúc đẩy thông tin tuyên truyền về BĐKH.

Tại hội thảo, các phóng viên trong nước và nước ngoài cũng thảo luận trao đổi kinh nghiệm viết bài, chia sẻ kinh nghiệm đưa những thông tin chính xác, đầy đủ, hấp dẫn, bằng các hình thức hiệu quả nhất đến với công chúng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của công chúng nhằm phòng tránh, giảm nhẹ tác động của BĐKH.

Ông Erwin Schweisshelm – Trưởng Đại diện Viện FES tại Việt Nam chia sẻ: “Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra những nghị quyết cũng như Chương trình hành động quốc gia về BĐKH, một trong những mục tiêu đó là nâng cao nhận thức của người dân và nhà báo về BĐKH với mục tiêu cụ thể là 2015: 80% dân số và 100% cán bộ công chức hiểu biết cơ bản về BĐKH. Thực hiện mục tiêu này, truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng. Tập trung trao đổi về những vấn đề truyền thông với BĐKH tại Hội thảo, chúng tôi mong muốn những người tham gia, đặc biệt là những người làm công tác truyền thông có thêm hiểu biết và tìm ra giải pháp ứng phó với BĐKH”./.