Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19- gọi tắt là COP 19 vừa kết thúc tại thủ đô Vacsava của Ba Lan. Sau những phiên thảo luận vô cùng gay cấn, có những lúc tưởng chừng bế tắc, Hội nghị cũng đạt được một bước tiến đáng kể khi các đoàn đàm phán đều nhất trí rằng tất cả các nước sẽ có “những đóng góp riêng” nhằm góp phần cắt giảm khí thải CO2. Đây được coi là viên gạch đầu tiên cho Hiệp định toàn câu về biến đổi khí hậu.

Cũng như những Hội nghị trước, tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19), các đoàn đàm phán đã trải qua những phiên thảo luận vô cùng gay cấn. Lý do không có gì mới, các nước đang phát triển muốn các nước công nghiệp giữ cam kết mà họ đưa ra năm 2009 về việc tăng tiền tài trợ lên 100 tỷ USD mỗi năm, vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Và lần này, trong nhiều phiên thảo luận ban đầu, các nước phát triển vẫn không đồng ý với số tiền đền bù đó.

cop-19.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị COP 19 (Ảnh Reuters)

Một thông tin được Ngân hàng Thế giới đưa ra khiến những người yêu môi trường và những người quan tâm đến COP 19 đều hết sức lo lắng. Đó là thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu do thời tiết cực đoan gây ra đã tăng lên gần 200 tỷ USD mỗi năm trong một thập kỷ qua và dự báo sẽ còn tăng hơn nữa khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến xấu. Trong khi đó, hành động tuyên bố tuyệt thực của trưởng đoàn Philippines và 30 đại biểu sinh thái của các nước như một sự sẻ chia tinh thần trước thảm họa thiên tai mà đất nước Philippines đang hứng chịu sau bão Haiyan vẫn không làm lay động các nước phát triển.

Không lo lắng sao được khi COP 19 được coi là “bàn đạp” quan trọng để các nước tìm kiếm một thỏa thuận toàn cầu để có thể đối phó với biến đổi khí hậu”. Vậy mà cho đến ngày 22/11 khi COP 19 đã đi gần hết chặng đường làm việc mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào.

Niềm vui dường như vỡ òa, khi đại diện các nước tham dự Hội nghị, vào ngày 23/11, đã đạt được sự nhất trí về một số nguyên tắc chính mang “tính thỏa hiệp” cho một thỏa thuận mới để chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Các đoàn đàm phán đã đạt được sự nhất trí rằng tất cả các nước sẽ có “những đóng góp riêng” nhằm góp phần cắt giảm khí thải CO2. Các nước phải đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải của mình vào quý 1 năm 2015 để chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận vào cuối năm đó tại Hội nghị ở Paris, Pháp.

Dù chưa thật sự hài lòng với kết quả của Hội nghị, nhưng nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng: kết quả các cuộc đàm phán là “có thể chấp nhận được”. Hội nghị lần này đã đặt nền móng rất tốt cho các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào năm sau tại Lima, Peru và hội nghị tại Paris, Pháp vào năm 2015.

Kết quả của Hội nghị lần này cũng góp phần tháo gỡ bế tắc giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển về vấn đề chia sẻ trách nhiệm trong việc hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn được cho là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng.

Đóng góp vào kết quả chung này, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động thảo luận và chia sẻ về các vấn đề biến đổi khí hầu toàn cầu cùng đại biểu của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tham gia các hoạt động bên lề Hội nghị, Việt Nam đã trình bày nhiều bản tham luận nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến quá trình thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang triển khai.

Diễn ra chỉ ít ngày sau khi siêu bão Haiyan - một trong những cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay tàn phá nghiêm trọng miền Trung Philippines, Hội nghị lần này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần phải hành động để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hạn.

Dù không hoàn toàn đạt được những kết quả như mong đợi, nhưng những thỏa thuận giữa các đoàn đại biểu vào phút chót, được coi là sự mở đường, là viên gạch đầu tiên cho một Hiệp ước toàn cầu mới vào năm 2015, nhằm chống lại tình trạng Trái Đất đang nóng dần lên./.