Trường THCS thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu năm học tới dự kiến có 12 lớp, với gần 450 học sinh; trong đó, có trên 100 học sinh học lớp 7. Đây là khối lớp phải thực hiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo yêu cầu của ngành giáo dục.
Thầy giáo Mai Văn Tường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến nay, toàn bộ sách giáo khoa mới của lớp 7 đã được các thầy, cô chuyển tới tay học sinh. Nhà trường cũng đã chỉ đạo giáo viên rà soát, bổ sung cơ sở vật chất bảo đảm đủ và ưu tiên về phòng học, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho khối lớp 7.
"Nhà trường cũng đã tham gia đầy đủ các đợt tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức về chương trình thay sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới; Tổ chức đầy đủ các đợt sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề ở nhà trường và sinh hoạt cụm. Ngoài ra, trường cũng tham mưu kịp thời với cấp trên xin bổ sung những giáo viên còn thiếu, cũng như bố trí một số giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn để đáp ứng quy định chuẩn giáo viên".
Là huyện vùng cao biên giới, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường ở Phong Thổ gặp không ít khó khăn, thách thức như: cơ sở vật chất chưa đáp ứng; nhất là còn thiếu nhiều giáo viên tin học và ngoại ngữ.
Theo ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, ngành Giáo dục địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, nhằm giúp giáo viên, học sinh từng bước làm quen và đỡ bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình: "Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 yêu cầu học sinh phải được học tin học và ngoại ngữ. Trên nền tảng các phòng học trực tuyến đã được trang bị, chúng tôi đã tiến hành nội dung học trực tiếp và trực tuyến. Năm học tới này, chúng tôi sẽ áp dụng thường xuyên, bởi từ tháng 4 chúng tôi đã cho các nhà trường có giáo viên ngoại ngữ tiến hành dạy cả trực tiếp và trực tuyến, để các đơn vị trường liên kết và tạo thành thói quen, để đến năm học mới khi triển khai nội dung này đại trà thì không bị bỡ ngỡ".
Năm học 2022 - 2023, huyện Phong Thổ dự kiến có 48 trường, trên 900 lớp; trong đó, toàn bộ học sinh lớp 3 và lớp 7 sẽ chính thức học theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo quy định. Đến thời điểm này, 100% trường học trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới theo yêu cầu. Ngành giáo dục địa phương hiện cũng đang tích cực chỉ đạo các nhà trường rà soát các điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin, sách giáo khoa mới... để đề xuất trang bị, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học mới.
Ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ cho biết thêm: "Để thực hiện tốt nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, chúng tôi cũng đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn chuẩn bị nội dung tập huấn hè đối với giáo viên, đồng thời tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã cho các đơn vị chủ động lập kế hoạch với từng giáo viên, từ đó sẽ tổng hợp theo từng khối lớp. Hiệu trưởng nhà trường sẽ là người phê duyệt kế hoạch nội dung chuyên môn của từng tổ khối trong năm học này để đảm bảo phù hợp với đối tượng vùng miền và với tình hình thực tế của địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang là thách thức không nhỏ đối với thầy và trò ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Tuy nhiên, với sự chủ động của ngành Giáo dục - Đào tạo và sự vào cuộc tích cực các thầy cô giáo, kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông mới tại huyện biên giới Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung sẽ triển khai đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu đề ra./.