Chúng tôi đến thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên vào những ngày trung tuần tháng 3. Sau những cơn mưa kéo dài, người dân thị xã phải mang ủng đi làm, đi chợ trên những lối đầy bùn, lầy lội do các loại xe tải cày đi cày lại hàng ngàn ngày qua. Thị xã đã nhiều năm rục rịch di chuyển “vén” lên cao, giờ không thể nhận ra hình hài của Mường Lay cũ. Cả thị xã bị vây bọc bởi những con đường nhầy nhụa, bùn nhão ngập ngang ống chân. Từ ý tưởng của các nhà quy hoạch, vóc dáng một thị xã chạy dọc hai triền sông Nậm Lay theo hướng phát triển sâu về phía thượng nguồn đang dần hình thành.

dien-bien-1.jpg

Những con đường đất như thế này khi gặp mưa sẽ trở nên lầy lội

Gặp chúng tôi trên lối đi lầy lội, chị Lò Thị Thanh, một người dân Thị xã Mường lay cho biết: “Dân tái định cư chúng tôi có tới 5 cái khổ. Mà đầu tiên là khổ đi lại. Các con đường ở Mường Lay đều nhão nhoẹt bùn đỏ. Phụ nữ yếu tay thì không đi qua được. Chợ Mường Lay mới ở khu cơ khí chưa xây xong cho nên đồ ăn thức uống chỉ mua tạm ở ngoài đường. Mà mấy quán bán lẻ này cũng là do chị em trong bản tự phát họp để phục vụ bà con. Cầu treo nối hai bờ cũng chưa xây xong, từ khu vực dân cư Lay Nưa, Nậm Cản, Xá Đán đi sang khu hành chính của thị xã ở Chi Luông cũng mất hàng tiếng đồng hồ vượt qua con đường nhầy nhụa bùn. Đường nối vào các khu tái định cư đơn vị thi công mặt bằng cũng đang dang dở. Các khu tái định cư xếp đặt nhà sàn san sát nhau, gần đến mức dường như chúng kết lại thành một bè gỗ lớn. Như vậy, việc chống cháy, cung cấp nước sạch sẽ rất nan giải. Chuyện các khu tái định cư giờ đây không phải là chuyện của bản làng mà là chuyện quy hoạch đô thị. Mỗi nhà được cấp 300 m2 đất, quá gần nhau, khiến cho mỗi gia đình xây nhà vệ sinh cũng nhìn trước ngó sau không biết xây ở vị trí nào cho tiện. Vườn rau không có, đất nông nghiệp cũng không”.

Có thể nói, việc tái định cư tại chỗ cho hàng ngàn hộ gia đình ở thị xã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, sau chuyện có đất, có nhà để ở thì người dân thị xã đang đối mặt với nhiều nỗi lo, mà nỗi lo lớn nhất đó là công ăn việc làm. Những hình ảnh dễ bắt gặp ở những “phố nhà sàn” của thị xã Mường Lay là: gia đình nào cũng có những người ngồi vắt tay lên ban công nhà sàn nhìn ra đường. Không còn ruộng nương để làm, tiền đền bù tái định cư đã làm nhà, xong không biết làm gì để sống, vừa thoát khỏi mức mấp mé nước lại rơi vào mấp mé nghèo.

Anh Nguyễn Văn Tiến, ở bản Lé – xã Lay Nưa kể với chúng tôi:  “Gia đình ông Lò Văn On ở bản Ho luông-  xã Lay Nưa được đền bù hơn 200 triệu đồng. Người con trai của ông On tính chuyện dùng số tiền đó để mua xe tải chở thuê cho các công trình. Nhưng ông On lại muốn xây nhà to, vì căn nhà gỗ nhỏ ông phải ở cả đời rồi. Xây xong nhà, tiền hết, bố không có ruộng để làm, người con thất nghiệp, cả nhà giờ chưa biết tính thế nào để kiếm sống, trong khi tiền hỗ trợ đã cạn”.

  Gần 3.350 hộ dân tại 5 khu tái định cư: Nậm Cản, Cơ Khí, Chi Luông, Ðồi Cao và một phần ở xã Lay Nưa đã tạm “an cư”,  nhưng chưa lấy gì để mà “lạc nghiệp”.

Ở Mường Lay, có rất nhiều chuyện tương tự kể trên, người dân trăn trở, lo toan kiếm kế sinh nhai lâu dài nhưng chưa tìm được hướng đi nào cho bền. Với các hộ nông nghiệp thì chưa có đất sản xuất; Những gia đình phi nông nghiệp cũng chưa có việc gì làm ổn định. Tổng cộng có hơn 2.000 hộ dân, khoảng 2/3 dân của Mường Lay cũ di cư tại chỗ. Mặc dù đây là mảnh đất “ba chìm bảy nổi”, năm nào cũng bị lũ đe dọa nhưng không ai muốn bỏ đi.

Ngoài phần đất sẽ chìm dưới lòng hồ, Mường Lay còn quỹ đất rất ít để cho tái định cư. Thị xã chật cứng những ngôi nhà sàn. Khách vãng lai qua Mường Lay và bị kẹt trên đường đi Mường Tè đều phải nghỉ lại giữa đống ngổn ngang của một nhà nghỉ duy nhất đang trong quá trình dỡ đi. Cánh đồng Mường Lay dưới thung lũng đang bị dòng nước nuốt chửng.

Dân sống trong phố nhà sàn trở thành dân phi nông nghiệp. Dân tái định cư thiếu ruộng để sinh nhai đang là vấn đề lớn nhất của hậu tái định cư. “Người Thái ăn theo nước” – vì tập quán sinh sống này mà giờ đây dân di cư phục vụ thủy điện, chia sẻ lợi ích từ nguồn nước cũng nhiều nhất là người Thái.

Mường Lay là thủ phủ của người Thái trắng, một dân tộc coi sông Đà là nguồn sống và coi vùng đất nhỏ bé kẹp dưới ngã ba sông Nậm Na nhập vào sông Đà làm quê cha đất tổ. Ở khu vực này, vẫn còn những câu chuyện truyền khẩu về dòng họ và dinh thự Đèo Văn Long, về dòng sông Đà hung dữ, về thị xã Mường Lay năm lần bảy lượt bị lũ xóa sổ.

Thị xã Mường Lay có hơn 300 ha ruộng nước, trong đó có đến 2/3 diện tích bị ngập và bán ngập. Điều lo ngại nhất là cuộc sống của người dân sẽ khó khăn khi thiếu đất sản xuất, trong khi đó núi thì cao không thuận tiện cho phát triển kinh tế nông nghiệp.

Chuyển hướng sản xuất, chuyển đổi nghề cho nông dân là điều phải làm, nhưng phải có thời gian không thể một sớm một chiều làm được. Ðiều mà Ðảng bộ, chính quyền thị xã băn khoăn nhất hiện nay đấy chính là vấn đề bảo đảm đời sống lâu dài cho người dân. Bởi có tới hơn 90% người dân thị xã là hộ làm nông nghiệp toàn tòng, nhưng diện tích đất sản xuất còn lại quá ít, trong khi việc chuyển đổi nghề lại không phải điều dễ dàng như trong các đồ án đã vạch ra. Song xác định càng khó khăn bao nhiêu, càng phải bình tĩnh và chắc chắn bấy nhiêu, nên mấy năm qua, Ðảng bộ và chính quyền thị xã đã  làm tất cả những gì trong khả năng có thể vì mục tiêu để người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Ðến đầu năm nay, thị xã chỉ còn hơn 6% hộ nghèo.

Những ngày này, khi đập Thủy điện Sơn La đã hàn khẩu, tích nước được vài tháng, toàn bộ thị xã Mường Lay đang dần chìm sâu dưới lòng hồ. Không xa nữa, khi Thủy điện Sơn La hoàn thành, Thủy điện Lai Châu được khởi công, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thị xã đã hoàn thiện, thì rất nhiều tiềm năng thế mạnh của thị xã Mường Lay sẽ được đánh thức và khai thác. Sẽ có một bến cảng đường sông lớn phục vụ cho việc vận tải hàng hóa và du lịch sinh thái, giữa các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh nam Trung Quốc và bắc Lào. Đó cũng là cơ hội tạo ra nhiều ngành nghề, công ăn việc làm cho người dân của một thị xã sầm uất, trên bến dưới thuyền trong tương lai không xa./.