Bản Phầy, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La có 82 hộ thì có tới 50% số hộ nghèo. Qua bình xét, trong 2 năm (2011 và 2012), bản có 21 hộ được nhận bò từ Chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Ông Lường Văn Thương - Bí thư Chi bộ bản Phầy cho biết: Ngày nhận bò, bà con trong bản ai cũng vui mừng phấn khởi. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, một số hộ được nhận bò bé như con dê về, không chịu ăn, ngã bệnh và “ra đi”. Đến nay, số bò chết ở bản đã là 6 con.
Bò thuộc chương trình giảm nghèo ở huyện Mường La không đảm bảo (Ảnh: Báo Sơn La) |
Theo lý giải của ông Lường Văn Thương, bò chết là do khí hậu ở đây lạnh. Giống bò địa phương thì sống tốt, giống bò lai cứ yếu dần và chết.
Buồn hơn ở bản Nà Pá xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, có 5 hộ được nhận bò do huyện cấp, đến nay chỉ còn 2 con sống sót.
Gia đình chị Lò Thị Sau là hộ nghèo của bản. Tháng 5/2012, gia đình nhận bò từ chương trình về nuôi được một thời gian thì bò lăn đùng chết. Chị Lò Thị Sau nói: “Khi nhận bò thì nó đã đau mắt, về nhà nuôi một thời gian, nó không chịu ăn, uống. Được hai tháng thì bò chết”.
Theo số liệu thống kê của xã Ngọc Chiến, 2 năm qua địa phương được nhận 251 con bò từ chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng đến nay đã có 29 con đã chết, trong đó 16 con bị chết trong thời gian “bảo hành”.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng bò chết lớn hơn nhiều so với xã báo cáo. Cán bộ theo dõi chương trình của xã thừa nhận, đến nay chưa cập nhật cụ thể có bao nhiêu con bò chết, vì như ở bản Phầy 6 con chết, nhưng trong báo cáo của xã lại chỉ có một con.
Còn tại Mường Bú, tỷ lệ bò do chương trình cấp bị chết còn cao hơn cả xã Ngọc Chiên. Bà con ở đây phản ánh, tháng 11/2012, lúc giao nhận, bò chỉ nặng khoảng 40-50 kg/con, con to nhất cũng chỉ 70-80 kg. Qua thống kê ở xã có 21 con chết, trong đó 7 con chết trong thời gian “bảo hành”.
Có gia đình như hộ anh Lò Văn Bình, bản Ta Mo, nhận bò hôm trước, thì sáng hôm sau đến báo với xã là bò đã chết. Cán bộ thú y xã và ban quản lý bản đã đến kiểm tra và lập biên bản đúng sự thực.
Anh Quàng Văn Linh, cán bộ thu y của xã cho hay: Thông thường bò tách mẹ ở vùng cao cân nặng từ 70 - 80 kg/con mới nuôi được, nhỏ quá sẽ khó sống sót.
Các gia đình trong xã nhận bò từ chương trình cấp đa phần còn rất nhỏ, một số con bị chết là do mắc bệnh tiêu chảy, rồi trướng bụng…
Qua tìm hiểu được biết, Chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ cấp bò cho hộ nghèo do Phòng Nông nghiệp huyện Mường La làm chủ đầu tư. Số bò cấp đều được mua từ tỉnh khác về. Lạ nước, khác biệt lớn về khí hậu, bò lại còn bé nên nhiều “chú” bê con sinh bệnh không sống nổi.
Chúng tôi đã liên lạc với ông Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Mường La đăng ký làm việc về chương trình này, nhưng bị từ chối với lý do đi công tác, còn phó phòng thì bận không tiếp được. Trong khi đó bà con các xã đã kiến nghị với chủ đầu tư về việc cấp bổ sung cho các hộ nhận bò đã bị chết, đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Ông Lò Văn Quạn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngọc Chiến kiến nghị: “Nên hỗ trợ bằng tiền, rồi phối kết hợp với các xã mua bò tại chỗ giao cho các hộ sẽ đảm bảo hơn, hiệu quả hơn”.
Một con bò cái ở huyện Mường La cấp cho hộ nghèo có giá từ 8 - 9 triệu đồng, tại thời điểm năm 2011, 2012 để phát triển chăn nuôi lâu dài. Với hộ nghèo, đây là một tài sản sinh lời có giá trị không nhỏ. Vì vậy, bà con hộ nghèo ở đây mong muốn huyện Mường La sớm điều tra số lượng bò cấp từ chương trình đến nay chết là bao nhiêu, đơn vị được giao làm chủ đầu tư chương trình phải chịu trách nhiệm như thế nào trong việc mua bò không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, huyện cần rút kinh nghiệm để tránh lặp lại các trường hợp tương tự, không chỉ chương trình này, mà còn nhiều chương trình, dự án khác./.