Trong những ngày qua, tại các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên... đã có mưa rất to gây ngập lụt cục bộ tại nhiều địa phương. Theo số liệu quan trắc đến thời điểm này cho thấy đợt mưa ở Miền Trung đã có những số liệu vượt kỷ lục theo thống kê về lượng mưa ở một số địa điểm vào giai đoạn cuối của mùa mưa.

Trả lời phỏng vấn mới đây, TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, bước đầu có thể thấy đây là những biểu hiện rõ ràng của Biến đổi khí hậu.

da_nang_ngap_lut_esmm.jpg
Đà Nẵng chìm trong biển nước sau trận mưa lịch sử.

PV:Thưa ông, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá như thế nào về đợt mưa lớn tại các tỉnh miền Trung?

TS Hoàng Phúc Lâm:Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió đông, nên từ ngày mùng 8 - 10/12, khu các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 1h ngày mùng 8 đến 13h ngày mùng 10/12 các khu vực phổ biến như sau:

Từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế từ 100-200mm; từ Quảng Ngãi đến Bình Định từ 250-300mm; Khánh Hòa và Phú Yên từ 50-80mm. Mưa lớn nhất tập trung ở khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng với tổng lượng mưa phổ biến từ 350-402mm.

Một số nơi có lượng mưa lớn hơn so với các điểm khác trong khu vực như: Vinh 394mm; Đông Hà (Quảng Trị) 599mm, Quảng Trị 544mm; Phong Điền 569mm, Bạch Mã 515mm (Thừa Thiên Huế); Đà Nẵng 853mm, Cẩm Lệ 814mm, Bà Nà 809mm (Đà Nẵng); Thăng Bình 930mm, Bình Phú 819mm, Câu Lâu 808mm (Quảng Nam); Thanh An 510mm, Ba Tơ 501mm, (Quảng Ngãi); An Hòa 634mm, Hoài Nhơn 475mm (Bình Định).

Theo số liệu quan trắc đến thời điểm này cho thấy đợt mưa ở Miền Trung đã có những số liệu vượt kỷ lục theo thống kê về lượng mưa ở một số địa điểm vào giai đoạn cuối của mùa mưa. Một số nơi còn vượt kỷ lục của mùa mưa chính vụ. Đặc biệt lại xảy ra sau 23 tháng 10 âm lịch thì theo kinh nghiệm của bà con thì ngày này cũng giống như sau rằm tháng 7 âm lịch ở miền bắc sẽ không còn mưa. Có thể nói là đợt mưa này chưa từng xảy ra trong quá khứ,  nguyên nhân thì cần phải có những nghiên cứu để làm rõ thêm. Nhưng bước đầu có thể thấy rằng đây là những biểu hiện rõ ràng của Biến đổi khí hậu. Tức là các qui luật về mưa không còn như trước nữa.

PV:Vì sao Đà Nẵng lại hứng lượng mưa lớn như vậy?

TS Hoàng Phúc Lâm: Từ đêm 8 đến ngày 10/12/2018, các tỉnh phía nam của Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Định đã có mưa to đến rất to, một số nơi có lượng mưa đặc biệt lớn, trên 800mm do ảnh hưởng kết hợp của 3 nhân tố gây mưa, đó là: thứ nhất, gió đông bắc tầng thấp sau khi tĩnh lại lâu ở Bắc Bộ trong ngày 7/12 đã tràn rất nhanh xuống miền Trung, thứ hai, địa hình chắn gió của khu vực Trung bộ với dãy Trường Sơn ở phía Tây và thứ ba là gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm.

PV:Đà Nẵng nhỏ, bờ biển dài, sông cũng nhiều, vì sao lại có thể ngập sâu và ngập lâu hơn một ngày như vậy thưa ông?

TS Hoàng Phúc Lâm: Đà Nẵng bị ngập cục bộ do đã phải chịu một lượng mưa rất lớn trong một thời gian ngắn, cụ thể từ 03 giờ đến 06h ngày 09/12 tại trạm Đà Nẵng đã đo được lượng mưa là 287mm, tại trạm Cẩm Lệ là 238mm. Sau thời gian có mưa cực đại nêu trên, mưa lớn với lượng mưa 30-50mm/giờ còn liên tục xảy ra trong 24 giờ đồng hồ. Cường suất mưa rất lớn và kéo dài 1 ngày đã gây ra ngập úng cục bộ cho thành phố Đà Nẵng và đã rút nhanh sau khi mưa ngớt. Hiện nay dù chưa hết mưa nhưng tình trạng ngập tại Đà Nẵng hầu như không còn nghiêm trọng.

Nước lũ tràn qua Quốc lộ 19, tỉnh Bình Định gây khó khăn cho phương tiện qua lại.

PV:Công tác dự báo đợt mưa được triển khai như thế nào thưa ông?

TS Hoàng Phúc Lâm: Công tác dự báo đợt mưa lớn và ngập lụt vừa rồi tại Trung Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã tuân thủ nghiêm các quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-BTNMT Quy định về kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Cụ thể, tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã ban hành các bản tin dự báo không khí lạnh và cảnh báo về khả năng xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng ở khu vực Trung Bộ từ chiều ngày 4/12/2018 và các bản tin nhanh về cảnh báo mưa lớn và nguy cơ sạt lở, ngập úng cho khu vực Trung Bộ trong các ngày từ 7/12/2018.

Các Đài KTTV khu vực, và các Đài KTTV tỉnh sau khi nhận được bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia sẽ chi tiết hóa mức độ ảnh hưởng của thiên tai đến từng huyện trong khu vực mình phụ trách. Tất cả các bản tin dự báo, cảnh báo ở cả Trung ương lẫn địa phương sau khi được phát hành sẽ chuyển đến các địa chỉ theo Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai theo các hình thức khác nhau như fax, email.

PV:Vì sao trong các bản tin dự báo không định lượng mưa cho từng khu vực?

TS Hoàng Phúc Lâm: Bài toán dự báo định lượng mưa là một bài toán khó, không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Độ tin cậy trong dự báo định lượng mưa của các sản phẩm tham khảo hiện đại nhất hiện nay như radar, vệ tinh và mô hình dự báo số chỉ đủ độ tin cậy trong dự báo cực ngắn, tức dự báo trước vài giờ.

Do đó, dự báo định lượng mưa chỉ được đưa ra trong các bản tin dự báo cực ngắn, từ 1 đến 3 giờ, mà không có trong các bản tin dự báo hàng ngày.

PV:Theo quy luật hàng năm, mùa mưa ở miền Trung gần như đã kết thúc. Nhưng thực tế đã diễn ra đợt mưa lũ lớn, nhiều khu vực đạt mức lịch sử. So với quy luật hàng năm, đợt mưa lũ ở miền Trung những ngày qua có bất thường không thưa ông?

TS Hoàng Phúc Lâm: Tháng 12 vẫn là thời gian cuối của mùa mưa ở Trung Bộ do đặc điểm về địa hình chắn gió đối với gió mùa đông bắc. Khi có gió mùa đông bắc, miền Trung sẽ xảy ra mưa lớn kéo dài, đặc biệt khi kết hợp với các nhân tố gây mưa khác như xoáy thuận nhiệt đới, hoạt động của đới gió đông trên cao… thì tại đây sẽ có mưa to đến rất to.

Trong tháng 12 các năm gần đây vẫn thường xảy ra 1-2 đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Trung Bộ. Đặc biệt trong tháng 12/2016 đã liên tiếp xảy ra 2 đợt mưa lớn (đợt 1: từ 29/11 đến 08/12/2016 và đợt 2 từ 12 đến 17/12/2016) và gây ra lũ tương đương lịch sử ở khu vực Bình Định.

PV:Theo dự báo, đợt mưa này kéo dài đến bao giờ, mức độ mưa lũ thế nào?

TS Hoàng Phúc Lâm: Trong ngày 10/12, các tỉnh ven biển Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to; trong đó riêng khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to. Trong đêm 10/12 và ngày 11/12, mưa to đến rất to sẽ giảm nhanh ở khu vực ven biển Trung Bộ do gió đông bắc suy yếu. Tuy nhiên, từ chiều tối và đêm 11/12, một đợt không khí lạnh mới với cường độ mạnh sẽ tăng cường xuống nước ta. Từ khoảng ngày thứ Tư (12/12), các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ có mưa to trở lại. Khu vực trọng tâm mưa trong những ngày giữa tuần sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên và đến cuối tuần có thể ảnh hưởng xuống cả khu vực Khánh Hòa.

Từ ngày 12/12, không khí lạnh lại tràn xuống ảnh hưởng tới khu vực ven biển trung và nam Trung Bộ và nhiều khả năng mưa to đến rất to trên diện rộng lại lặp lại trong các ngày giữa tháng 12/2018. Cần đề phòng trong những ngày tới, trên các sông thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 1-3m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập úng cục bộ vùng trũng thấp tại các tỉnh trên

PV:Theo ông, từ nay đến cuối năm, mưa lũ ở miền Trung được dự báo thế nào?

Trong tháng 12 tại các tỉnh Trung Bộ đã và vẫn sẽ xảy ra nhiều đợt mưa trên diện rộng nữa. Đa số nguyên nhân gây mưa trong tháng 12 là không khí lạnh và nhiễu động trong đới gió đông hoặc bão và áp thấp nhiệt đới. Ví dụ từ 12-18/12/2016 từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, trọng tâm mưa từ Quảng Nam đến Phú Yên với lượng mưa phổ biến 400-600m đã gây ra lũ rất cao ở Bình Định. Chúng tôi dự báo không khí lạnh năm nay sẽ hoạt động mạnh, nên mưa và lũ ở Trung Bộ trong tháng 12 năm nay sẽ còn xảy ra 1-2 đợt mưa lớn diện rộng và trong tháng cũng có khả năng xuất hiện lũ trên các sông ở trung và nam Trung Bộ.

PV:Năm nay biển Đông chỉ có 7 cơn bão, miền Trung cụ thể là Đà Nẵng, thiếu nước giữa mùa mưa. Những thay đổi bất thường này nguyên nhân sâu xa là gì?

TS Hoàng Phúc Lâm: Mùa bão năm nay tính đến hiện tại có 9 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới, tương đương với trung bình nhiều năm (12-13 cơn bão và ATNĐ). Khu vực miền Trung thiếu nước trong mùa mưa có thể một phần do biến đổi khí hậu, phần nữa có thể là do hoạt động của các tác nhân gây mưa cho trung bộ trong mùa mưa là không mạnh do cuối năm, ENSO đã chuyển từ pha trung tính sang pha El Nino.

PV:Theo ông El Nino đã thực sự tác động đến Việt Nam chưa. Nếu có thì trong thời gian tới thời tiết ba miền sẽ thay đổi như thế nào?

TS Hoàng Phúc Lâm: Tính đến thời điểm hiện tại thì các biểu hiện của thời tiết và khí hậu của Việt Nam của El Nino là chưa rõ ràng do El Nino là hiện tượng trong đại dương, cần thời gian để tác động và làm thay đổi các đặc điểm hoàn lưu trong khí quyển.

Hiện chúng tôi vẫn đang cảnh báo khả năng thiếu hụt mưa trong những tháng đầu năm 2019 cho các khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.

Xin cảm ơn ông!./.