Sáng 3/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Y tế Tế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo quốc gia “Định hướng công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đến năm 2020”. Gần 100 đại biểu đại diện cho Ủy ban Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, các Bộ Y tế, Giáo dục-Đào tạo và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành trong cả nước tham dự hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, tính riêng 2 năm 2005-2006, số trẻ em và vị thành niên bị tử vong do do đuối nước chiếm hơn 51%; tử vong tai nạn giao thông chiếm trên 23%. Ngoài ra, còn nhiều trẻ em khác bị chết và tàn tật do các nguyên nhân như: ngộ độc, bỏng, điện giật, súc vật cắn, vật liệu nổ…

Cũng theo báo cáo của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2008 cả nước có gần 76.000 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em, chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tai nạn thương tích ở trẻ em trở thành một vấn nạn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sự phát triển ở trẻ, đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ, cùng vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc nêu rõ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng các chương trình hành động về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chính sách Quốc gia Phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2002-2010. Sau gần 8 năm triển khai, đến nay, có 43 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban điều hành thực hiện Chính sách Quốc gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; trên 50 Sở Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch Hành động về Phòng chống tai nạn thương tích./.