Đến chiều nay (8/10), mưa lớn tại các tỉnh miền Trung đã làm 2 người chết, 9 người mất tích. 2 người chết ở tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị. Trong số 7 người mất tích, 1 người ở tỉnh Thừa Thiên Huế, 7 người ở tỉnh Quảng Trị, 1 người ở tỉnh Bình Định. Hiện nước sông đang lên, một số nơi đã sơ tán dân vùng xung yếu, vùng ngập sâu đến nơi an toàn.

Mưa lớn tại tỉnh Quảng Bình khiến các Quốc lộ 15, 12, 9B, 12A và các Tỉnh lộ 562, 559B bị ngập, gây tắc đường. 25 thôn, bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy chia cắt cục bộ. Mưa lớn làm sạt lở mố trụ Cầu Phú Hòa xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa này là tại tỉnh Quảng Trị. Lúc 7 giờ sáng nay, tàu nạo vét luồng lạch tại phao số 0, cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị bị chìm, cuốn trôi 5 người. Lực lượng chức năng đã tìm kiếm cứu hộ được 3 người, còn 2 người mất tích. Như vậy, đến chiều nay, mưa lũ tại Quảng Trị đã làm 7 người mất tích, 1 người chết; mực nước ở các sông trên báo động 3, nhiều xã ngập nặng, giao thông ách tắc. Lượng mưa kỷ lục đo được tại tỉnh Quảng Trị là khoảng 900mm.

Hiện nhiều khu dân cư thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Hướng Hóa ven sông Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hiếu và sông Sê Pôn còn ngập nặng. Huyện Hướng Hóa đã di dời gần gần 1.100 hộ dân với gần 5.000 người đến nơi an toàn. Huyện miền núi Đakrông đã di dời hơn 570 hộ với 2.500 nhân khẩu ở vùng thấp trũng, xung yếu.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Lực lượng công an, bộ đội đã sử dụng ca nô đi vào các vùng ngập nặng để di dời dân đến nơi an toàn.

“Đến nay đã di dời hơn 2.700 hộ gia đình với hơn 10.000 người di dời đến nơi an toàn, bao gồm di dời tại chỗ và di dời tập trung. Tuy nhiên điều đáng tiếc là đã xảy ra thiệt hại về người. Hiện nay có 2 tàu với 23 thành viên đang còn mắc cạn ở phao số 5. Các lực lượng đang tập trung giải cứu, tháo gỡ những vấn đề xảy ra trên biển”, ông Hưng nói.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lũ làm 1 người mất tích khi đi săn chim tại hồ Bàu Sen, huyện Phong Điền. Một số tuyến đường khu Đông Nam Thủy An, nội thành TP Huế ngập nước, đi lại khó khăn. Do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển các xã Vinh Hải, Phú Thuận, huyện Phú Vang và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà tiếp tục sạt lở.

Ông Nguyễn Văn Vọng, ở thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho biết: Đoạn sâu nhất từ ngã ba Thủy Phú từ 50 cm đến 1mét, ngay ngã ba Thủy Phú ni tới nối cầu Thanh Phước là nó ngập sâu nên chi phương tiện người dân qua lại quá bất tiện, coi như phải đi thuyền máy, mà không có thuyền máy thì bị gián đoạn, chỉ có đoạn đường từ ngã ba Thủy Phú đây lên Hương Vinh thôi mà đoạn này bị ngập sâu rồi.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đến chiều nay, nước sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên báo động II, nước sông Vu Gia tại Ai Nghĩa lên trên báo động III, 300 nhà dân ở huyện Đại Lộc bị ngập lụt dưới 1m. Hiện, phần lớn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều ở dưới 50% dung tích hữu ích.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị các chủ hồ thủy điện theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn; thực hiện chế độ quan trắc, dự báo; thực hiện tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung vận hành điều tiết lũ hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2, Đak Mi 4 để giảm lũ cho hạ du.

Ông Ngô Xuân Thế, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện A Vương cho biết, hiện hồ chứa A Vương mới chứa được 20 mét nước, còn 20 mét nữa mới đến mực nước dâng bình thường.

“Mực nước hồ là 40 mét thì được 20 mét dưới rồi, còn 20 mét trên cao. Nhưng mà đợt mưa gió mùa đông bắc sắp tới, nhận định hồ A Vương sẽ đầy và sẽ xả tràn. Vấn đề là hạ du thế nào. A Vương sẵn sàng phối hợp để tránh thiệt hại cho hạ du”, ông Thế cho hay.

Mưa lớn đã gây sạt lở nhiều điểm trên Quốc lộ 14G nối từ Đà Nẵng lên huyện Đông Giang; tuyến ĐT609, từ xã Ma Cooh đi xã Ka Dăng sạt lở gần hết mặt đường, kéo dài gần 50 mét, người và phương tiện không thể lưu thông. Các tuyến đường liên xã như Za Hung, Jơ Ngây, Ka Đắp cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đi lại khó khăn. Ngoài ra, các tuyến đường nội thị của thị trấn Prao, huyện lỵ Đông Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: hiện nước lũ trên sông A Vương đang dâng cao, địa phương đang khẩn trương sơ tán người dân vùng lũ quét, nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

“Những điểm mà dân không có chỗ để đi lại, huy động lực lượng, phương tiện tiến hành thông đường cho dân đi lại. Còn lại những đường có thể đi lại mà vẫn còn sạt thì để cho sạt hết đợt mưa này để sau đó khắc phục luôn một thể, các tuyến đường quanh thị trấn Prao hiện nay đã thông hết đường. Còn đối với đường ĐT 609 đi từ Ma Cooih đến Kà Dăng chỉ đạo xã cắm biển cảnh báo không đi lại được. Bên cạnh đó, chính quyền huyện Đông Giang cũng đã sơ tán người dân ở điểm ngập lụt, sạt lở trong đợt bão số 5 vừa qua đến nơi an toàn”, ông Minh nói.

Tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương này đã có văn bản cho học sinh nghỉ học trong ngày mai 9/10 để đảm bảo an toàn./.

Một số hình ảnh phóng viên VOV ghi lại trong ngày hôm nay: