Ngày 20/11, Trung tâm ứng phó không lưu tại Hà Nội (ATCC/HAN) đã phải giành quyền điều hành bay thay cho Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC/HCM) vì nguyên nhân sự cố mất điện trong thời gian 1 giờ 35 phút. Đây là sự cố lần đầu tiên xảy ra đối với hàng không dân dụng Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam chiều 20/11 ra thông cáo cho biết lúc 11h5' sáng cùng ngày đã xảy ra sự cố mất điện tại ACC/HCM, dẫn đến Công ty Quản lý bay miền Nam phải áp dụng kế hoạch ứng phó không lưu.

Khi xảy ra sự cố, Công ty Quản lý bay miền Nam kịp thời báo cáo các cơ quan có liên quan, triển khai điều hành bay theo kế hoạch ứng phó không lưu đã được phê duyệt. Hàng loạt các biện pháp ứng phó không lưu đã được triển khai như: Thông báo cho các Trung tâm Kiểm soát đường dài của các quốc gia lân cận gồm Singapore, Manila, Sanya, Kualalumpur, Vientiane, Phnompenh triển khai ngay kế hoạch ứng phó không lưu. Yêu cầu các cơ sở điều hành bay của Việt Nam tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành. Các chuyến bay đang đến sân bay Tân Sơn Nhất được hướng dẫn quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị.

matdien_1416479723507_lley.jpg
Ngay sau sự cố kỹ thuật, Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kịp thời có mặt tại Trung tâm ứng phó không lưu tại Hà Nội để chỉ đạo thực hiện ứng phó không lưu, điều hành bay tuyệt đối an toàn
Cùng lúc, Công ty Quản lý bay miền Nam gấp rút khắc phục từng phần hệ thống kỹ thuật tại ACC/HCM. Đến 12h40' cùng ngày, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định và công tác điều hành bay đã trở lại bình thường.

Lãnh đạo Cục Hàng không và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kịp thời có mặt tại ATCC/HAN để chỉ đạo thực hiện ứng phó không lưu, điều hành bay tuyệt đối an toàn. Trong thời gian xảy ra sự cố, có trên 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Các chuyến bay này đều được theo dõi tại Trung tâm ứng phó của Tổng Công ty tại Hà Nội thông qua hệ thống tự động quản lý không lưu (ATMS) của ATCC/HAN.

Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, chiều 20/11, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật đã bay ngay vào TP HCM để đánh giá, xác định sự việc nhằm ngăn ngừa các sự cố tương tự.

Theo quy định của ngành hàng không, hoạt động không lưu phải được dự phòng nhiều cấp nhằm đảm bảo xử lý tốt nhất các tình huống sự cố, kể cả tình huống phi tiêu chuẩn (chưa có trong các bài huấn luyện), bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay. Theo đó, tại mỗi ACC đều được trang bị cấu hình dự bị cho ACC khác, ví dụ ACC Hồ Chí Minh có cấu hình dự bị cho Hà Nội và ngược lại. Khi một ACC bị sập, cấu hình dự bị của ACC khác sẽ được khởi động để chỉ huy thay thế cho đến khi sự cố được khắc phục xong.

Hãng hàng không VietJet cho biết có 50 chuyến bay bị ảnh hưởng gián tiếp vì phải đổi giờ khởi hành, số chuyến bay bị ảnh hưởng trực tiếp là 11 chuyến. Trong đó, chuyến bay VJ157 từ Hà Nội đi TP HCM phải đáp xuống sân bay dự bị Buôn Ma Thuột. Chuyến bay VJ461 HAN đi Vinh phải quay lại sân bay xuất phát. Vietnam Airlines cũng có hàng chục chuyến bay bị ảnh hưởng.

Theo kế hoạch, trưa 20/11, lãnh đạo cấp cao của hãng chế tạo máy bay Airbus có mặt tại TP HCM để làm việc với một hãng hàng không trong nước. Tuy nhiên, giữa đường nhận được thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ không lưu từ ACC/HCM, máy bay của vị lãnh đạo đã phải quay lại Hong Kong./.