Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lộ trình điều chỉnh tiền lương, chiều nay (13/6), Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Theo qui định của Chính phủ, lương cho khối hành chính sự nghiệp thì do Bộ Nội vụ trực tiếp xây dựng triển khai; lương cho khối DN thì do Bộ LĐ-TB-XH thực hiện. Theo phân công trách nhiệm, chúng tôi đã xây dựng lộ trình về tăng lương tối thiểu để làm cơ sở cho DN trả lương cho người lao động. Năm 2012, chúng tôi cũng đã thực hiện chương trình đó. Khi ban hành mức lương tối thiếu theo 4 vùng, mức cao nhất là trên 2 triệu đồng thì cũng có 2 luồng ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, qui định mức lương như vậy thì mới đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, qui định như vậy là không chia sẻ với DN, trong lúc DN khó khăn lại đưa ra lương tối thiểu như vậy càng làm cho DN khó khăn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hải Chuyền, với vị trí của cơ quan chính sách chúng tôi thấy lộ trình qui định 4 vùng lương tối thiểu và phù hợp. Người lao động cũng trên cơ sở đó chia sẻ với DN. DN cũng phải có trách nhiệm chia sẻ và nếu DN không có người lao động thì cũng không phát triển được. Vì vậy, tôi thấy có khó khăn nhưng các DN có thể vượt được. Nhưng người lao động nếu không có đồng lương tối thiểu, qui định đồng lương tối thiểu thấp thì người ta không có sức để làm cho DN.
Bộ trưởng cho rằng: “Lộ trình như vậy là hợp lý. Mức chúng tôi đề cập cao hơn vì đã cân nhắc trong lúc tình hình khó khăn, các DN phải sắp xếp lại thì có nên đặt ra không? Cuối cùng Chính phủ quyết định vẫn phải có lương tối thiểu và lộ trình điều chỉnh”.