Cuộc đấu tranh vì công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có những bạn bè Mỹ. Vừa qua, một dự luật kêu gọi Chính phủ Mỹ hỗ trợ các nạn nhân và làm sạch những khu vực bị ô nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam đã được giới thiệu tại Hạ viện Mỹ.

Phóng viên VOV tại Hoa Kỳ đã có cuộc phỏng vấn  luật sư Jeanne Mirer, một trong những người khởi xướng dự luật trên và cũng là thành viên tích cực của phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.      

Mong muốn xoa dịu nỗi đau da cam  

PV:Thưa luật sư Mirer, được biết bà đã tham gia rất nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh cũng như hành trình tìm kiếm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Yếu tố nào đã khiến bà gắn bó với Việt Nam như vậy?    

Luật sư Jeanne Mirer: Đó là một câu chuyện dài, bắt đầu từ việc tôi rất quan ngại về cách hành xử của Mỹ đối với người dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Hồi đó, tôi kịch liệt phản đối chiến tranh và tham gia tích cực vào phong trào phản chiến. Tôi quyết định học luật vì muốn sử dụng kiến thức pháp luật của mình để trợ giúp những người bị tổn thương do các hành động của chính phủ, do bị phân biệt đối xử hoặc do các hoạt động vi phạm nhân quyền.

lau-su1.jpg
Phóng viên VOV trò chuyện với luật sư Jeanne Mirer

Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 2001 và đã gặp rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe do chất độc da cam gây ra. Tôi là Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế và khi đó, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị chúng tôi trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam tại tòa án Mỹ. Đây chính là điều mà tôi luôn mong muốn và thế là chúng tôi cùng bàn thảo về vấn đề này.

Chúng tôi thành lập một nhóm luật sư và tiến hành khởi kiện, đòi phía Mỹ bồi thường cho các nạn nhân. Những câu chuyện tôi được nghe từ các nạn nhân chất độc da cam, những người bị phơi nhiễm là những điều mà tôi khó có thể quên. Một trong những lý do tôi trở thành luật sư là nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau mà con người trên khắp thế giới phải gánh chịu, do hậu quả những cuộc chiến phi nghĩa và tôi sẽ dành trọn đời mình cho hoạt động này. 

PV:Trong quá trình hỗ trợ các nạn nhân khởi kiện, bà và các đồng nghiệp Mỹ đã đưa ra ý tưởng thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA). Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?  

Luật sư Jeanne Mirer: Trong khi tìm kiếm các nguyên đơn trong vụ kiện đòi bồi thường, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc ngoài các cá nhân, thì liệu có nên thành lập một tổ chức đại diện cho các nạn nhân hay không, vì trên thực tế, để thực hiện một vụ kiện như vậy cần phải có một tổ chức nào đó.

Chúng tôi đưa ra ý tưởng trên và phía Việt Nam đã quyết định thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA). Từ một nhóm nhỏ với vài thành viên ban đầu, VAVA đã trở thành một tổ chức có chi nhánh tại hầu hết các tỉnh thành trên khắp Việt Nam.

Hàng trăm, ngàn người phối hợp với VAVA để trợ giúp các nạn nhân qua các hoạt động như gây quỹ hoặc cung cấp dịch vụ. VAVA là nền tảng cho vụ kiện và tôi rất tự hào vì tổ chức này đã làm rất tốt trong việc trợ giúp các nạn nhân, cũng như nêu lên vấn đề chất độc da cam, thu hút sự chú ý không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên toàn thế giới. Dù tiến triển còn chậm nhưng chúng ta cần nhìn về lâu dài và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

Yêu cầu Chính phủ Mỹ hỗ trợ các dịch vụ

PV:Là một trong những người khởi xướng dự luật trợ giúp nạn nhân chất độc da cam vừa được giới thiệu tại Hạ viện Mỹ, xin bà cho biết chi tiết về nội dung dự luật này?

Luật sư Jeanne Mirer:Tôi cùng một số đồng nghiệp và tổ chức tại New York thành lập Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Một trong những hoạt động của chúng tôi là xây dựng một đạo luật hỗ trợ các nạn nhân tại cả Việt Nam và Mỹ.

Dự luật này đã được giới thiệu tại Hạ viện Mỹ, trong đó yêu cầu Chính phủ Mỹ hỗ trợ các dịch vụ như nhà cửa, y tế cũng như các dịch vụ chăm sóc khác dành cho các nạn nhân tại Việt Nam, đồng thời làm sạch môi trường tại các khu vực nhiễm chất độc da cam.

Hiện nay, tình trạng nhiễm độc tại Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng. Khi thăm làng Hòa Bình vào tháng 1/2013, tôi đã gặp không ít trẻ em bị dị tật bẩm sinh do hậu quả của chất độc da cam. Chúng tôi muốn Quốc hội Mỹ chuẩn chi kinh phí giải quyết vấn đề môi trường tại Việt nam. Ngoài ra, con cái của rất nhiều người Mỹ gốc Việt bị phơi nhiễm chất độc da cam cũng gặp phải những vấn đề sức khỏe tương tự như các nạn nhân tại Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu thành lập một trung tâm nghiên cứu và y tế để điều trị cho những người này.

Luật sư Jeanne Mirer

Dự luật cũng đòi quyền lợi cho những cựu chiến binh Mỹ. Hiện nay, những đối tượng này được bồi thường nếu bị bệnh nhưng con cái họ lại không được hưởng quyền lợi như vậy.

Dự luật của chúng tôi tập trung vào 3 nhóm: cựu binh Mỹ, người Mỹ gốc Việt và người Việt Nam. Với việc gộp cả 3 nhóm này thành 1, chúng ta sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong Quốc hội Mỹ, dù cho đến nay, Quốc hội hầu như chưa làm được gì nhiều. Đây là cuộc chiến lâu dài. Chúng ta có thể không thành công trong năm nay nhưng hy vọng sẽ sớm đạt được mục đích vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

PV:Các cựu quân nhân Mỹ đã được bồi thường, vậy vì sao Chính phủ Mỹ vẫn không thừa nhận trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới đã chứng minh sự liên quan của chất này đối với những vấn đề sức khỏe như ung thư và dị tật bẩm sinh, thưa bà? 

Luật sư Jeanne Mirer:Đây là một vấn đề khó đối với Chính phủ Mỹ, vì khi thừa nhận trách nhiệm về chất độc da cam thì họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề tiếp theo như hậu quả của việc sử dụng uranium nghèo, phốt pho trắng và các loại vũ khí bất hợp pháp tại khu vực xảy ra chiến tranh, hoặc sử dụng máy bay không người lái sát hại thường dân.

Tôi tin rằng, Chính phủ Mỹ hiểu rõ việc sử dụng chất độc da cam là phi pháp và Tòa án Lương tâm Quốc tế cũng đã xác định điều này. Nhưng nếu Chính phủ Mỹ lên tiếng thừa nhận thì họ sợ rằng tất cả các nạn nhân trên thế giới sẽ yêu cầu bồi thường. Vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam đã bị tòa án Mỹ bác bỏ với lý do việc sử dụng dioxin, dù là chất cực độc, không vi phạm các hiệp ước quốc tế vì chỉ nhằm mục đích diệt cỏ. Còn nhiều yếu tố khác, nhưng nguyên nhân chủ yếu là các thẩm phán Mỹ đã cố tình biến vũ khí chứa chất độc hại thành thuốc diệt cỏ.   

Dự luật có thể sẽ được đưa ra điều trần và bỏ phiếu                                                   

PV:Sau khi dự luật được giới thiệu tại Hạ viện, những thủ tục pháp lý tiếp theo sẽ được tiến hành như thế nào, thưa bà?

Luật sư Jeanne Mirer:Hiện nay, chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với Văn phòng của Hạ nghị sỹ Barbara Lee, người giới thiệu dự luật này ra Quốc hội, cũng như với các tổ chức trên khắp nước Mỹ để tìm người đồng bảo trợ. Sau khi tìm được đủ số nghị sỹ đồng bảo trợ, dự luật có thể sẽ được đưa ra điều trần và bỏ phiếu.

Nếu mọi việc không tiến triển trong năm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu lại lên Quốc hội vào năm sau, tức là nếu không được thông qua trong một năm thì không có nghĩa là dự luật sẽ bị bãi bỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Càng đề cập đến dự luật này thì sẽ càng có nhiều người quan tâm và hiểu hơn vấn đề chất độc da cam, và cơ hội thành công của chúng ta sẽ lớn hơn.

PV:Nếu được thông qua, dự luật này sẽ mang lại lợi ích cụ thể như thế nào đối với các nạn nhân, thưa bà?

Luật sư Jeanne Mirer:Trên thực tế, dự luật này không đề cập tới vấn đề tài chính mà chỉ yêu cầu Quốc hội Mỹ ủy quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Cựu chiến binh thực hiện những điều khoản đã nêu. Do đó, nếu được thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới Ủy ban chuẩn chi của Quốc hội và khi đó, số kinh phí thực hiện mới được quyết định.

Nếu chúng ta đòi hỏi ngay một số tiền cụ thể nào đó, chẳng hạn 1 tỷ USD cho dù đây có thể là con số cần thiết, thì khả năng dự luật được thông qua sẽ là con số không.

PV:Bà đánh giá thế nào về triển vọng dự luật được thông qua tại Quốc hội Mỹ?

Luật sư Jeanne Mirer:Vào thời điểm hiện tại tôi chỉ có thể nói rằng, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đảm bảo thành công của dự luật. Thách thức còn rất nhiều, nhưng tôi nghĩ là chúng ta đã thành lập được một liên minh gồm những người yêu chuộng hòa bình và công lý từ các cộng đồng khác nhau như cựu chiến binh, người Mỹ gốc Việt và người Việt Nam và như vậy cơ hội thành công sẽ cao hơn. Chúng tôi sẽ không từ bỏ mà sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng. 

PV:Trong thời gian gần đây, phía Mỹ đã có những động thái quan tâm đến vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam, trong đó có dự án tẩy độc tại một số điểm nóng. Bà nhận định thế nào về vấn đề này?

Luật sư Jeanne Mirer:Đây là một dấu hiệu tích cực. Nhiều nghị sỹ Quốc hội hiểu rằng đó là việc cần làm nhưng vấn đề là các hoạt động nêu trên đều không dựa trên cơ sở pháp lý nào, mà chỉ được thực hiện vì mục đích nhân đạo. Chúng tôi có một số “đồng minh” trong Quốc hội Mỹ, những Nghị sỹ quan tâm tới vấn đề này.

Chúng ta không thể không quan tâm khi biết rằng nhiều thế hệ, dù không tham chiến, nhưng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hành động thiếu suy tính đến hậu quả lâu dài của chính quyền Mỹ.

PV:Xin cảm ơn bà!/.