Vừa qua, chủ đầu tư Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 nằm ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho xe đào múc, lắp đặt đường ống trên đường ĐH07. Tại hiện trường, hàng trăm mét đường bị đào khoét sâu, đặt những ống nhựa đường kính lớn. Một lượng lớn ống nhựa khác được tập kết dọc đường ĐH07 đấu nối tuyến đường Võ Văn Kiệt vào nhà máy Nhà máy bột - giấy VNT19. Việc thi công tuyến ống này ảnh hưởng đến giao thông và gây nhiều bức xúc trong dân.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết, sự việc diễn ra từ ngày ngày 20/5, địa phương đã kiểm tra và có văn bản báo cáo UBND huyện Bình Sơn: “Hệ thống đường ống xả thải này chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Việc làm này tự phát của nhà máy. Đây là tuyến đường được tỉnh cấp phép đầu nối từ đường Võ Văn Kiệt vào nhà máy bột - giấy VNT19, tuyến đường phục vụ đường biên khi nhà máy vận hành. Riêng về hệ thống ống xả thải thì cơ quan chức năng chưa đồng ý cho đặt tuyến ống này”.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu chủ đầu tư Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 dừng ngay việc thi công các hạng mục liên quan đường ống và báo cáo vụ việc. Hiện, việc thi công đường ống đã tạm dừng.
Ông Trần Minh Khôi, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho hay: “Nhà đầu tư cam kết dừng thi công ngoài công trường và có báo cáo để báo cáo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi. Chúng tôi sẽ mời các sở, ban, ngành liên quan và địa phương kiểm tra việc xây dựng sai phép của chủ đầu tư”.
Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 do Công ty cổ phần Bột - Giấy VNT19 làm chủ đầu tư giai đoạn 1 trên diện tích 117 ha tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là dự án có quy mô lớn, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 350.000 tấn bột giấy/năm, dự kiến hoàn thành lắp đặt, chạy thử nghiệm vào cuối quý 4 năm 2022.
Từ khi triển khai xây dựng vào năm 2015 đến nay, Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 đã dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động. Ông Trần Thanh Nam, thôn Phú Long 1, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn lo lắng về phương án xả thải của nhà máy ra vịnh Việt Thanh sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển và sinh kế của hàng ngàn người dân khu vực.
“Hiện giờ nhân dân đang quan ngại. Nhà máy giấy xả thải ra, người dân rất lo lắng. Bởi vì vũng Việt Thanh này có hai nguồn lợi duy nhất là đánh bắt hải sản gần bờ và phục vụ du lịch, tắm biển”, ông Trần Thanh Nam nói.
Sau 11 năm triển khai, đến nay Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 mới chỉ hoàn thành gần 70% các hạng mục công trình. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nhà máy bột - giấy VNT19 chỉ mới phối hợp với UBND huyện Bình Sơn và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải và tuyến ống xả thải của Dự án. Ông Trần Đông Phong, Tổng thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng, vấn đề lo ngại nhất của Nhà máy bột - giấy VNT19 là nước thải trong quá trình tẩy trắng, do vậy hệ thống xử lý nước thải rất quan trọng.
“Đối với vị trí xây dựng hệ thống nước thải, Ban quản lý dự án nên xem lại có đảm bảo khoảng cách theo quy định của Bộ Xây dựng không. Ban quản lý cũng cần xem lại cơ chế vận hành của hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là cơ chế vận hành của hồ sinh học”, ông Trần Đông Phong cho hay.
Hiện nay, các bước tiếp theo gồm: Tổ chức tham vấn đại diện cộng đồng dân cư, công tác khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng Dự án nhà máy bột - giấy VNT19 vẫn còn dang dở.
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Phó Bí thư Huyện uỷ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Dự án Nhà máy bột - giấy VNT19 được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đưa vào danh mục dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và yêu cầu giám sát đặc biệt 3 tháng/lần trong suốt thời gian thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm. Hiện, người dân và chính quyền địa phương rất lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường khi Nhà máy bột - giấy VNT19 đi vào hoạt động./.