Với ranh giới trải dài trên 200 km, địa hình hiểm trở, rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh Bình Thuận - khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng liên tục bị tàn phá trước sự bất lực của các chủ rừng.
Cách đây hơn 2 năm, khu vực rừng đầu nguồn Bình Thuận giáp với xã Đa Quyn và Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là điểm nóng liên tục xảy ra các vụ phá rừng công khai trên quy mô lớn.
Gỗ khai thác trái phép được chuyển về tạm giữ ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Năng, Đức Trọng, Lâm Đồng |
Trước tình hình đó, hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng đã triển khai quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh, trong đó có việc xây dựng trạm bảo vệ rừng liên tỉnh. Tháng 2/2014, Trạm bảo vệ rừng liên tỉnh đầu tiên chính thức đi vào hoạt động với tên gọi “Trạm quản lý và bảo vệ rừng liên huyện Bắc Bình - Đức Trọng” đặt tại xã Tà Năng, huyện Đức Trọng. Ngoài lực lượng bảo vệ rừng, trạm còn có sự tham gia của lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội của hai huyện Bắc Bình và Đức Trọng, thường xuyên túc trực, tổ chức tuần tra kiểm soát theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Tổ trưởng Tổ liên ngành Bắc Bình - Đức Trọng nói về hoạt động của trạm: “Chúng tôi thường xuyên cắt cử anh em đi kiểm tra các tuyến đường đầu mối xe thường xuyên ra vào, xem có dấu hiệu của các đối tượng vận chuyển lâm sản hay không. Nếu có, anh em sẽ triển khai lực lượng phối hợp với bên dưới Bình Thuận tổ chức kiểm tra dưới đó lên và trên này kiểm tra xuống”.
Triển khai kế hoạch tuần tra kiểm soát của Trạm bảo vệ rừng liên huyện Bắc Bình - Đức Trọng |
Nhờ có sự tham gia phối hợp của lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự huyện Đức Trọng và chính quyền hai xã Đa Quyn và Tà Năng, nên việc bắt giữ lâm tặc cũng như tịch thu tang vật thuận lợi hơn. Lực lượng tại trạm có thêm vũ khí và công cụ hỗ trợ đủ mạnh để trấn áp các nhóm lâm tặc liều lĩnh.
Trước đây, lâm tặc chỉ cần đưa gỗ qua khỏi ranh giới là có thể trót lọt, nhưng từ khi có Trạm này, hầu hết các vụ vận chuyển gỗ khai thác trái phép đều được ngăn chặn kịp thời, lập biên bản xử lý trên địa phận Lâm Đồng.
Ông Trần Quốc Lực, cán bộ Hạt Kiểm lâm Đức Trọng kiêm Tổ phó Tổ liên ngành Bắc Bình - Đức Trọng cho biết: “Trong quá trình tuần tra kiểm tra, chúng tôi phát hiện lâm sản tập kết ở khu vực bìa rừng. Chúng tôi tổ chức lập hồ sơ, thuê xe vận chuyển về Ban quản lý rừng Tà Năng; sau đó chuyển hồ sơ và tang vật về cơ quan chức năng Hạt kiểm lâm Đức Trọng để xử lý”.
Trạm bảo vệ rừng liên huyện Bắc Bình Đức Trọng đặt tại thôn Masara, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng |
Khi tham gia quy chế bảo vệ rừng giáp ranh liên huyện, chính quyền hai xã Đa Quyn và Tà Năng của huyện Đức Trọng- nơi có nhiều người hành nghề khai thác gỗ trái phép, cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương bỏ nghề.
Công an huyện Đức Trọng đã rà soát, nắm lại các hộ dân có xe cải tiến "độ chế" chuyên vận chuyển gỗ trái phép để có biện pháp răn đe, xử lý theo quy định. Trạm liên huyện Bắc Bình - Đức Trọng cũng thường xuyên phân công lực lượng chốt chặn, bắt giữ các phương tiện vào rừng trái phép ở các cửa ngõ vào rừng. Trên thực tế, những đường be vào rừng đang dần mờ đi, cho thấy tình trạng xâm phạm rừng giáp ranh ở khu vực đã giảm. Các vụ phá rừng tuy có xảy ra cũng chỉ ở mức độ lẻ tẻ, không đáng kể.
Ông Trần Quang Hải, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình cho biết: “Về lâu dài, cố gắng duy trì ngăn chặn các loại phương tiện chủ lực, khả năng tình hình phá rừng, khai thác lâm sản, vận chuyển gỗ ở khu vực rừng phòng hộ giáp ranh sẽ được hạn chế như mong muốn hai huyện đã đặt ra”.Lực lượng của trạm liên huyện đi kiểm tra tại khu vực giáp ranh thôn Masara, xã Tà Năng |
Trạm quản lý và bảo vệ rừng liên huyện Bắc Bình - Đức Trọng đặt tại xã Tà Năng đã mang lại hiệu quả thực sự trong công tác phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Tuy nhiên, trạm này chỉ mới triển khai ở khu vực đầu tỉnh, quản lý trên chiều dài 28 km ranh giới. Còn lại khoảng 172 km ranh giới vẫn còn bỏ ngỏ. Do vậy, trước tình trạng phá rừng đầu nguồn Bình Thuận liên tục xảy ra như hiện nay, việc nhân rộng mô hình trạm liên ngành như thế này ngày càng trở nên cấp thiết./.