Đối với công nhân, với mức thu nhập thấp, chỉ dám mua thực phẩm ngoài lề đường giá rẻ nên tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe của họ. Ngay tại nơi làm việc, vấn đề an toàn thực phẩm, họ phải trông cậy vào các doanh nghiệp chủ quản, còn các doanh nghiệp lại phó thác cho nhà cung cấp bữa ăn. 

Chính vì vậy, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn là vấn đề nóng cần được kiểm soát chặt chẽ. Tại TPHCM, nơi có số lượng công ty lớn nhất cả nước với hàng ngàn bếp ăn tập thể thì công tác kiểm soát này ra sao?

bep1_vov_jmoa.jpg
Bếp ăn chế biến tại chỗ nóng hổi cho công nhân.

Chuông tan ca vang lên, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts -Việt Nam FAPV tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 TPHCM  bước vào căng tin. Tại đây, bếp ăn đã chuẩn bị 4 món mặn gồm thịt gà, cá, trứng chiên và rôm rang, cùng 2 món cải thiện khác. Bên cạnh đó còn có 2 món chay cho người ăn chay, hủ tiếu xương cho người thích ăn đồ nước.

Theo chị Nguyễn Thị Hải Quý, quản lý căng tin thì đây là bếp ăn của công ty TNHH Hoa Mai, được công ty FAPV – 100% vốn Nhật Bản - ký hợp đồng để thực hiện bữa ăn giữa ca hằng ngày cho công nhân trong nhiều năm qua. Các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào đều được lựa chọn từ các cơ sở uy tín, có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt các tiêu chuẩn VietGap và GlobalgGap.

“Mình phân bổ theo những người chịu trách nhiệm, bao gồm quản lý về đầu vào, quản lý về sản xuất, quản lý về phục vụ và quản lý về vệ sinh, mỗi khâu là một quản lý chịu trách nhiệm. Trong quá trình sơ chế và phục vụ, có sự giám sát của khách hàng đối với những sản phẩm phải đảm bảo chất lượng thì mới đưa vào phục vụ cho công nhân”, chị Nguyễn Thị Hải Quý nói.

Chị Bùi Thị Thanh Loan, trưởng phòng Nhân sự công ty FAPV cho biết, không phó thác cho nhà thầu mà công ty FAPV thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất nguyên liệu và chất lượng thực phẩm của từng món ăn. Tại đây còn bố trí các hòm thư góp ý để công nhân có ý kiến sau khi dùng bữa ăn.

Những phản ánh về chất lượng thức ăn cũng được khuyến khích đưa ra bàn luận tại các hội nghị công nhân theo định kỳ. Kết hợp với công đoàn, nhân viên y tế của công ty cũng kiểm tra thực đơn theo mức độ calo để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

“Nhân viên y tế có chuyên môn sẽ xuống kiểm tra hằng ngày mỗi ca đầu vào của thực phẩm coi thử xem những nguồn gốc thực phẩm như thế nào, hóa đơn xuất xứ ra sao và nguyên liệu đó có đạt tiêu chuẩn hay không. Những sản phẩm nào không đạt tiêu chuẩn thì trả lại cho nhà cung cấp”, chị Bùi Thị Thanh Loan nói.

Công nhân ăn trưa tại bếp ăn tập thể trong công ty TNHH FAPT.

Công ty FAPV là một điển hình tiêu biểu trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có bếp ăn tập thể tại chỗ cho công nhân, vì vậy chưa từng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng tổ chức nấu ăn tại chỗ để thức ăn nóng hổi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng cho công nhân.

TPHCM hiện có hơn 4.000 bếp ăn tập thể, trong đó có 279 bếp ăn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với quy mô phục vụ hàng chục ngàn suất một ngày. Qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các bếp ăn tập thể tại các khu chế xuất – khu công nghiệp vừa qua của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho thấy: đa số các công ty ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp từ bên ngoài.

Đây là nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dễ xảy ra ngộ độc. Bởi vì các cơ sở chế biến suất ăn sẵn ở xa các bếp ăn tập thể, thời gian vận chuyển thức ăn chín từ nơi chế biến đến nơi phục vụ khá dài, phương tiện vận chuyển không bảo đảm, có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường.

Theo thống kê, năm 2016 TPHCM có 7 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 4 vụ là do cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Còn năm 2017 xảy ra 4 vụ ngộ độc, trong đó có 1 vụ ngộ độc thực phẩm cũng do nguyên nhân là từ cơ sở chế biến thức ăn sẵn phục vụ cho công nhân khu chế xuất – khu công nghiệp. Tuy nhiên trong năm 2018 chưa có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào tính theo mức độ trên 30 người xảy ra tại khu công nghiệp, khu chế xuất, mà chỉ có vài vụ nhỏ lẻ ở các quận huyện.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, đơn vị liên tục tổ chức các buổi tập huấn cho những đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhiều cơ sở đã cam kết thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Cũng theo bà Lan, nếu xảy ra ngộ độc tại các bếp ăn tập thể trong trường học hay tại các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt người, vì vậy phải được tập trung hạn chế ngay từ đầu. Mặc dù vướng Chỉ thị 20 của Thủ tướng yêu cầu chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm, tuy nhiên, việc hậu kiểm giám sát và đến nhắc nhở được thực hiện liên tục.

“Chúng tôi sẽ đánh giá nguy cơ từ những đoàn hậu kiểm báo về. Nếu thấy tình hình nơi nào mà có vẻ nguy cơ, không tôn trọng pháp luật và làm sai nhiều thì chúng tôi sẽ tập trung để đi thanh tra xử phạt. Và xin nói Nghị định 115 mới về xử phạt thì  hành vi để xảy ra ngộ độc sẽ bị xử phạt rất là nặng”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

 Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm trong công nhân, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp Hepza và Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã ký kết quy chế phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm trong khu chế xuất – khu công nghiệp.

Thời gian tới, không chỉ tập huấn, cung cấp kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp tự kiểm tra bếp ăn, rà soát cấp phép và giám sát hậu kiểm, thanh - kiểm tra xử lý vi phạm, ngành chức năng còn tăng cường tuyên truyền cho công nhân trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm./.