Chỉ sau một thời gian ngắn ngưng toàn bộ hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai phía thượng nguồn (đoạn ráp ranh giữa 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước), tình trạng sạt lở bờ sông đã được giảm thiểu rõ rệt.
Sạt lở nghiêm trọng ven sông Đồng Nai do khai thác cát. |
Tuy nhiên mới đây, khi 3 địa phương nói trên họp bàn, đi đến chủ trương sẽ tái cho phép các doanh nghiệp, thì nỗi lo sạt lở lại trở nên hiện hữu.
Vườn quốc gia Cát Tiên không ủng hộ
Trước đó, toàn bộ hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn qua các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng. Lý do là việc khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến diện tích đất canh tác của cư dân ven sông, thậm chí uy hiếp cả Vườn quốc gia Cát Tiên.
Quyết định tạm ngừng khai thác cát có hiệu lực đến ngày 31/12/2018. Đến đầu năm 2019, các địa phương vẫn tiếp tục tạm dừng khai thác cát trên sông Đồng Nai để đánh giá lại tác động của hoạt động khai thác, sau đó sẽ đi đến quyết định cho phép khai thác trở lại hoặc dừng hẳn.
Vườn quốc gia Cát Tiên cũng bị sạt lở nặng nề (ảnh Vườn quốc gia cung cấp). |
Tuy nhiên, vừa qua, lãnh đạo 3 tỉnh có sông Đồng Nai đi qua đã họp bàn và đi đến thống nhất chủ trương sẽ cho phép các doanh nghiệp còn thời hạn khai thác theo giấy phép tiếp tục được hoạt động. Việc này lại dấy lên lo ngại tái diễn tình trạng sạt lở do khai thác ồ ạt, không có kiểm soát.
Vườn quốc gia Cát Tiên chính là đơn vị đầu tiên lên tiếng phản đối việc cho phép khai thác cát trở lại trên sông Đồng Nai. Lấy dẫn chứng những năm trước đây, các doanh nghiệp khai thác, (kể cả các đối tượng khai thác cát lậu) hoạt động rầm rộ, những chiếc thuyền công suất lớn nổ máy ầm ĩ hút cát cả ngày lẫn đêm, cũng chẳng cần cắm cọc tiêu giới hạn phạm vi khai thác, vô tư hoạt động ngoài khu vực được cấp phép…khiến bờ sông Đồng Nai sạt lở nghiêm trọng, hệ sinh thái vườn quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.
“Đứng ở góc độ công tác quản lý bảo tồn thì Vườn quốc gia Cát Tiên không ủng hộ việc này. Theo quy định khai thác cát phải có cắm phao, cắm vạch như trong giấy phép. Thực tế là trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp không làm việc này. Vườn đã có những báo cáo rất cụ thể, từng điểm, từng tọa độ nó sạt lở như thế nào. Bản thân Vườn khảo sát và trên hiện trường nó thể hiện rõ, không có hoạt động hút cát thì nó không lở, mà cứ hút cát thì nó lở…”, ông Trần Văn Bình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên nói.
Sau 1 năm ngừng khai thác, tình trạng sạt lở đã giảm (ảnh Vườn quốc gia cung cấp). |
Ông Bình dẫn chứng bằng hình ảnh những vị trí sạt lở nghiêm trọng trước đây bên phía vườn quốc gia. Nếu như những năm trước, sạt lở khiến bờ sông trở thành những vách tường đất dựng đứng, nhấn chìm cả đất đai, cây cối trong vườn, thì chỉ sau hơn 1 năm dừng khai thác cát, tình trạng sạt lở đã dừng lại, đất không lở thêm, cây xanh đã mọc che kín những “vách đất” - hậu quả những chiếc tàu hút cát công suất lớn để lại.
Ngừng khai thác cát ảnh hưởng kinh tế địa phương
Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo huyện xác nhận khai thác cát chính là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Đồng Nai. Tuy nhiên do sông Đồng Nai ở đây chảy qua 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước nên việc quản lý, phối hợp giữa các địa phương có nhiều điều bất cập.
Có thời điểm Đồng Nai cấm hoàn toàn việc khai thác nhưng Lâm Đồng lại vẫn cho phép hoạt động nên xử lý vi phạm rất khó khăn. Chỉ đến khi 3 tỉnh ngồi lại với nhau, tìm được tiếng nói chung thì vấn nạn khai thác cát gây sạt lở mới tạm thời được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, việc dừng hoàn toàn khai thác cát sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Ông Ký cho hay, ngay sau khi hoạt động khai thác cát bị tạm dừng, lập tức giá cát trong vùng tăng vọt, gây ra tình trạng khan hiếm vật liệu làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xây dựng.
Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hữu Ký khẳng định, quan điểm của địa phương là không đánh đổi phát triển kinh tế mà bỏ qua việc bảo vệ môi trường. Song việc khai thác cát là cần thiết, tuy nhiên ngành chức năng sẽ phải có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, đồng thời giám sát chặt hoạt động khai thác, làm sao hoạt động đúng quy định, khai thác ở các vị trí có trữ lượng để không ảnh hưởng đến môi trường cũng như gây hại đến đất sản xuất, đất rừng quốc gia.
“Quan điểm là không phải vì hoàn toàn phát triển kinh tế mà bỏ qua môi trường. Những địa điểm khai thác không ảnh hưởng, đảm bảo trữ lượng và đúng quy định thì cũng nên tạo điều kiện để phát triển kinh tế của địa phương. Chúng tôi cũng rất quan tâm, làm sao không ảnh hưởng đến địa phương, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng”, ông Nguyễn Hữu Ký bày tỏ.
Hiện nước ta vẫn chưa có các quy chuẩn rõ ràng về các vật liệu thay thế cát trong lĩnh vực xây dựng, do đó có thể nói cát vẫn là nguồn vật liệu quan trọng trong các hoạt động xây dựng, sản xuất, phát triển kinh tế.
Vấn đề đặt ra là việc khai thác nguồn khoáng sản quan trọng này phải được đánh giá đầy đủ, không được gây hại đến môi trường, không gây xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp khai thác với người dân có đất sản xuất cũng như đất rừng.
Việc giám sát các doanh nghiệp khai thác cũng cần được làm “mạnh tay” thay vì hời hợt như đã từng xảy ra trước đây, không thể để doanh nghiệp cầm giấy phép trong tay như một “lá bùa hộ mệnh” rồi ngang nhiên hút cát ồ ạt, tràn lan bất chấp quy định pháp luật./.
Yêu cầu thanh tra việc “núp bóng” thủy điện khai thác cát lậu
Cần công bố các giấy phép, lộ trình khai thác cát sỏi cho người dân
Kon Tum tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi