Mùa giáp hạt năm nay, tỉnh Lai Châu có gần 2.700 hộ với hơn 13.300 khẩu thiếu đói lương thực cần hỗ trợ. Ngoài những hộ thiếu đói do chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh thì có hàng nghìn hộ lâm vào cảnh đứt bữa do tâm lý trông chờ ỷ lại. Câu chuyện cứu đói giáp hạt ở các tỉnh miền núi, đặc biệt như Lai Châu thêm suy nghĩ về nâng cao ý thức thoát nghèo trong đồng bào để  xóa nghèo bền vững.

Đối với xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, câu chuyện cứu đói giáp hạt cứ như là thông lệ. Mỗi năm 2 lần tiếp nhận gạo cứu trợ của Chính Phủ dành cho hộ thiếu đói của xã, tâm trạng cán bộ ở đây lo nhiều hơn là mừng, trăn trở nhiều hơn là phấn khởi.

lai-chau1.jpg
Nông dân nhiều vùng ở Lai Châu tích cực trồng cao su để thoát nghèo

Ở xã Bum Nưa này, có những bản gần như nhà nào cũng phải nhận gạo cứu đói của Chính Phủ. Cái đói của bà con ở đây không phải do thiên tai, đói do thiếu đất sản xuất, mà bởi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước đã rất nhiều năm nay. Chính vì tư tưởng ấy mà có đến 6 tháng trong năm, đồng bào dân tộc Mảng ở Bum Nưa phải hỗ trợ lương thực. Nhưng hễ có gạo cứu trợ về là bà con đem ra nấu rượu, bất biết bữa sau thế nào!

Nhìn từ yếu tố nội lực, bà con dân tộc Mảng, bản Nậm Củm, xã Bum Nưa có tư liệu sản xuất, từ ruộng, nương có thể trồng lúa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, gia súc. Nếu tận dụng hết quỹ đất sẵn có thì bà con có thể thoát nghèo. Nếu chăm chỉ làm ăn, thì mỗi người không phải lo thu nhập chỉ 400.000 đồng một tháng, mà còn cao hơn nhiều.

Bà Vàng Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Bum Nưa cho biết, để đồng bào dân tộc thiểu số của xã thoát khỏi đói nghèo, từ lãnh đạo xã đã đến tận bản, cùng xuống đồng ruộng hướng dẫn, làm cùng nhân dân, nhưng khi cán bộ về thì đâu lại vào đấy.

Để có thể thay đổi căn bản tư tưởng trông chờ ỷ lại, để bà con thoát nghèo bền vững, bà Vàng Thị Hoa cho rằng: “Chúng tôi rất mong muốn có chính sách đầu tư, trước hết hỗ trợ 100% về các loại giống cây trồng, vật nuôi. Trong điều kiện bình thường thì không nên hỗ trợ gạo”.

Sản xuất tự cấp tự túc, phá rừng làm nương là nguyên nhân không thể thoát nghèo

Mùa cứu đói giáp hạt năm nay, huyện Tân Uyên có hơn 5.000 khẩu được cấp gạo hỗ trợ, với số lượng 160 tấn. Quan điểm của lãnh đạo huyện Tân Uyên cũng cho rằng, ngoài những hộ thiếu đói do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh thì rất nhiều gia đình không chịu lao động.

Ông Nguyễn Thanh Văn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Uyên nói: “Nhà nước cần giảm dần các chính sách cho không, nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại trong nhân dân. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư hỗ trợ các dịch vụ xã hội, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa để cho nhân dân được tiếp cận thuận lợi. Việc cấp phát gạo cũng cần được các địa phương kiểm tra, giám sát, hạn chế những trường hợp không đúng đối tượng, trông chờ ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước; không có ý thức vươn lên thoát nghèo”.

Vô tư và thờ ơ với cái nghèo, cái đói- chịu khổ chứ không chịu khó, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước là tư tưởng chung của rất nhiều hộ nghèo ở tỉnh Lai Châu. Mặc dù không phải năm nào địa phương này cũng xảy ra nhiều trận thiên tai, bão lũ, nhưng lượng gạo cứu đói giáp hạt năm sau cao hơn năm trước. Năm 2012 là hơn 2.000 tấn thì năm nay là 2.160 tấn.  Câu hỏi đặt ra là với nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước như vậy, sao bà con vẫn chưa thoát cái đói?

Thâm canh tăng vụ để thoát nghèo

Từ việc hỗ trợ gạo thiếu đói giáp hạt ở Lai Châu có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo thông qua nhiều chương trình hỗ trợ vốn, giống, ngày công, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, bản thân nhiều người nghèo ở địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên.

Việc được Đảng, Nhà nước bao cấp ít nhiều đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận người nghèo. Tình trạng có đất mà không chịu trồng lúa, trồng ngô; có trâu, bò mà không chịu chăm sóc để ốm yếu rồi mổ thịt; gạo cứu đói thì đem nấu rượu... là những chuyện không phải khó tìm ở Lai Châu.

Ông Vương Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cho biết: "Đây là một trong những tồn tại, bên cạnh chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến với người dân. Khắc phục được tính trông chờ ỷ lại của người dân, chúng tôi đang chỉ đạo Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh phối hợp với các xã, các thôn bản để bình xét rõ các đối tượng hộ nghèo, nguyên nhân nghèo và trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp khắc phục, chứ không đồng đều đối với các đối tượng".

Theo đánh giá, bình quân mỗi năm Lai Châu giảm từ 6 đến 7% hộ nghèo. Đây là tỷ lệ đạt cao so với nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên trong điều kiện thực tế, Lai Châu cũng cần đánh giá tính bền vững của việc thoát nghèo, khi hàng năm số hộ được hỗ trợ gạo cứu đói không hề giảm./.