Dẫu tuổi cao nhưng những người lính năm xưa vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ vui buồn với nhau thông qua Ban liên lạc truyền thống Điện Biên Phủ.
Những ngày này, câu chuyện được các bác, các chú kể nhiều nhất vẫn là về những trận đánh, những kỷ niệm đáng nhớ ở Điện Biên Phủ 60 năm trước.
Kỳ lạ là, chuyện nào cũng rõ ràng, rành mạch, đầy ắp thông tin, dù tất cả người kể đều ở tuổi “xưa nay hiếm”.
Đại tá về hưu Đinh Công Ty năm nay đã bước vào tuổi 80. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước, ông là lớp chiến sỹ trẻ nhất chiến trường.
Trung tướng Lê Nam Phong (bên trái) |
Khi ấy, từ Quân khu 4, ông và đồng đội trong Đại đoàn 312 hành quân hơn 1 tháng trời vào chiến trường Điện Biên, chỉ bằng đôi chân với 40kg quân trang, quân dụng trên vai.
Đến nơi, Đại đoàn của ông chịu trách nhiệm chiến đấu ở cụm cứ điểm Him Lam. Riêng ông được giao nhiệm vụ, hướng dẫn làm liên lạc ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141.
Thế là bất kể súng đạn, bất kể ngày đêm, mưa gió, bất kể sống chết, ông liên tục chạy đi chạy lại giữa Ban chỉ huy Đại đội với 3 trung đội để truyền đạt mệnh lệnh, cập nhật tình hình.
Không một phương tiện thông tin, tất cả đều chỉ là lời nói, nghe bằng tai và truyền bằng miệng, nhưng phải thật nhanh, thật chính xác và thật ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu.
Đại tá Đinh Công Ty nhớ lại: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tất cả đều là lệnh truyền miệng trực tiếp chứ không có giấy tờ. Bấy giờ chỉ huy bằng lời. Điện đàm chỉ có ở cấp Trung đoàn trở lên và Bộ tổng chỉ huy mặt trận chiến dịch. Còn Đại đội, Tiểu đoàn là bằng cờ, bằng tín hiệu hết. Lệnh của Đại đội xuống Trung đội A, Trung đội B là cần chú ý gì, bổ sung gì thì liên lạc lúc ấy chỉ dùng miệng, chân chạy, chui dưới hầm, là chính. Đi như thế có lúc chiền hào thông, có lúc vướng thương binh thì phải vòng lên rồi đi xuống. Một hôm vòng lên như thế thì cối 60 ly nổ, suýt chết”.
Trong Đại đoàn 312 thời bấy giờ, có rất nhiều chiến sỹ trẻ như ông Định Công Ty, làm nhiệm vụ ở nhiều bộ phận khác nhau. Như bà Nguyễn Thị Cân lúc đó là con gái Hà Nội, được học qua lớp quân y rồi vào chiến trường làm y tá.
Từ chỗ chưa một ngày vất vả, vào Điện Biên Phủ, bà Cân trải qua đủ mọi gian khổ, chứng kiến nỗi đau, chịu đựng sự mất mát và nhiều lần cận kề cái chết.
Nay đã 86 tuổi, bà vẫn nhớ như in những lần cùng bác sỹ mổ cho thương binh mà không có bất cứ loại thuốc tê hay thuốc giảm đau nào, những lần cõng thương binh chạy dưới làn bom đạn, những đêm dầm mưa ông súng gác cho mộ liệt sỹ tránh khỏi thú rừng…
Những gian khổ, hiểm nguy không sao kể hết chỉ khiến cho bà Cân thêm gan góc, chứ không hề làm mất đi tinh thần lạc quan, yêu đời, lãng mạn ở bà. Như khi còn ở Hà Nội, trong chiến trường, bà Cân vẫn hát, vẫn làm thơ, kể câu chuyện của chính mình và của cả đồng đội. Và cũng ở chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Nguyễn Thị Cân đã gặp rồi nên nghĩa vợ chồng với ông Nguyễn Văn Tại, một thương binh, một chiến sỹ của Đại đoàn 312.
Chính những con người, những câu chuyện như thế đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Một trong những người có mặt ở Điện Biên Phủ từ lúc chuẩn bị chiến dịch đến khi kết thúc thắng lợi, nắm được những thông tin toàn cục và được truyền đạt những quyết định lịch sử của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, là Trung tướng Lê Nam Phong.
Khi đó, ông Lê Nam Phong là Đại đội trưởng Đại đội 225, Đại đoàn 308, nhận nhiệm vụ chiến đấu ở cụm cứ điểm Độc Lập.
6 tháng trước khi chiến dịch chính thức bắt đầu, Đại đội của ông hành quân lên Điện Biên Phủ với mục tiêu cùng các đơn vị khác bao vây quân địch.
Gian khổ và ác liệt cùng với lời thề “quyết tâm đánh thắng trận này”, ông Lê Nam Phong đã cạo trọc đầu. Và trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trên chiến trường, ông được Đại tướng đặt cho cái tên thân mật “Đại đội trưởng đầu trọc”. Cái tên ấy cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của ông.
Hơn tất cả, ông Lê Nam Phong nhớ như in hoàn cảnh và sự ra đời quyết định thay đổi cách đánh, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và phương châm từng bước “vây, lấn, tấn, diệt” của Tướng Giáp lúc đó.
Quyết định này đã đưa quân ta đến toàn thắng tại Điện Biên Phủ. Cách đánh này cũng đã theo Đại đội trưởng Lê Nam Phong từ chiến dịch Điện Biên Phủ, đến Sư trưởng Sư đoàn 7- Quân đoàn 4 Lê Nam Phong trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, rồi Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 Lê Nam Phong khi đi làm nghĩa vụ quốc tế giải phóng Phnom Penh, Campuchia.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị tiếp tục đồng hành với những trận đánh, những mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Mỗi người cũng đều đã trưởng thành cùng với những chiến thắng đó. Nhưng trong lòng các cựu binh Điện Biên, 60 năm qua, chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ, lòng tự hào và ký ức vẫn vẹn nguyên./.