Cách đây 1 năm, Anastasia – một cô gái Nga đang sống, làm việc tại Hà Nội chỉ biết đến Điện Biên Phủ qua sách báo mà cô đã từng đọc những năm là sinh viên khoa tiếng Việt - trường Đại họс Nhân văn quốc gia Nga.

Giờ đây địa danh này đã gắn bó với trở thành một trong những kỷ niệm sâu sắc trong đời chị khi Anastasia được lựa chọn để tham gia diễn xuất trong bộ phim "Sống cùng lịch sử” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Bộ phim đã đóng máy nhưng cô gái Nga vẫn còn cảm thấy bồi hồi xúc động.

Điện Biên Phủ năm 1954 – bom đạn không ngừng dội xuống những tuyến đường tải đạn, pháo và lương thực lên chiến trường Điện Biên.

nastia-trong-phim-1.jpg
Một cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử"

Bao nhiêu con người thầm lặng đã ngã xuống để lại phía sau mình gia đình, người thân và cả những mơ ước về tương lai.

60 năm sau, một nhóm thanh niên đã thực hiện một hành trình về chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Trên đường đi, họ đã gặp 2 người bạn Pháp và cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình về quá khứ.

Một trong hai người bạn Pháp đó là Hana do Anasstasia thủ vai. Hana là một sinh viên người Pháp nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và rất quan tâm tới chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cô thực hiện chuyến đi tới Điên Biên Phủ để hiểu hơn về cuộc chiến, về thân phận những người phụ nữ trong cuộc chiến này.

Anastasia trong một đoạn của bộ phim

Anastasia kể về nhân vật của mình: "Đề tài của Hana rất là nghiêm túc và sâu sắc. Cũng chính vì thế cô ấy đã có xích mích với một người bạn Việt Nam trong nhóm. Người bạn Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi biết đề tài nghiên cứu của cô. Anh ấy không thể tin là đã có những phụ nữ Việt Nam phải phục vụ và múa hát cho lính Pháp. Anh ấy nói, Hana đã bôi nhọ tên tuổi những người phụ nữ Việt Nam chân chất. Sau đó các bạn phải giải thích cho anh ấy, đây là một vấn đề nghiêm túc và Hana đã tìm hiểu chuyện này ở cả những nước châu Á khác với mục đích là để giúp đỡ cho phụ nữ mà thôi".

“Sống cùng lịch sử” là sự đan xen giữa thực tại và quá khứ lịch sử. Tại mỗi địa danh gắn liền với chiến dịch như: đèo Lũng Lô; nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng; chiến trường Điện Biên, hầm De Castries... các nhân vật như đang sống trong những khoảnh khắc bi thương và hào hùng của dân tộc Việt Nam, tận mắt chứng kiến những mất mát hy sinh từ cả hai phía, những tấm gương chiến đấu dũng cảm và cả những câu chuyện hết sức cảm động về tình người.

Anastasia và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, diễn viên Tuấn Kiên

Qua đó bộ phim nói lên quan điểm của những người trẻ tuổi về cuộc chiến mà họ chỉ biết tới qua sách báo hay lời kể của ông bà mình.

Anastasia chia sẻ: "Tôi hiểu hơn về ý nghĩa của chiến dịch này trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Tôi được biết nhiều chi tiết nhỏ về những nhân vật Việt Nam và Pháp. Ví dụ như câu chuyện về nữ y tá Pháp đã cứu nhiều thương binh. Khi bị bắt làm tù binh, cô ấy đã viết thư cho Hồ Chủ tịch. Sau khi nhận được bức thư này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả tự do cho cô và những người lính Pháp. Những câu chuyện có thật đó đã được đan xen vào nội dung của bộ phim và làm cho bộ phim không giống như phim tài liệu mà rất gần với đời thường. Khi quay phim ở ngay chiến trường Điên Biên Phủ và thăm bảo tàng ở đây tôi đã rất kinh ngạc về những hiện vật trưng bày và cả sa bàn chiến dịch".

Tuy đây chỉ là vai diễn phụ nhưng việc lựa chọn diễn viên được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tốt nhất yêu cầu của vai diễn và thành công chung của bộ phim.

>>Nói về việc lựa chọn Anastasia cho vai diễn này ông Phạm Anh Tuấn, người phụ trách casting, cho biết: "Số người nước ngoài biết tiếng Việt rất ít. Tiêu chí đầu tiên của chúng tôi phải là người nói tiếng Việt rất tốt, rồi sau đó đến phần diễn. Cuối cùng, Anastasia đã vượt qua khoảng 10 cô gái đến tham gia casting. Phải nói là Anastasia đã làm việc rất nghiêm túc. Chỉ cần báo là sẽ quay vào thời điềm nào là Anastasia chuẩn bị rất kỹ lưỡng."
Khi đóng phim, khó nhất với Anastasia là đoạn hát bằng tiếng Pháp bài “La vie en rose”. Đã từng học tiếng Pháp trong trường phổ thông nhưng thuộc và hát cả bài hát tiếng Pháp để quay phim đối với Anastasia quả là một thử thách.

Anastasia kể lại: "Những đoạn hội thoại tiếng Việt rất hay nhưng không khó. Còn bài hát tiếng Pháp tôi đã phải luyện mất vài ngày. Người bạn diễn trong phim với tôi là người Pháp và anh ấy phải ngồi tập cùng với tôi, chỉnh phát âm từng từ một để mọi câu của tôi đều giống như là của người Pháp và thật tự nhiên".

Trong những ngày đóng phim Anasstasia đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các cộng sự Việt Nam. Hoàng Tuấn Kiên - một trong những diễn viên chính trong phim chia sẻ rằng, anh vẫn quen gọi Anastasia theo tên nhân vật trong phim là Hana.

“Đây là lần đầu tiên Hana đóng bộ phim lớn. Phải nói rằng, sự hòa nhập và năng khiếu của Hana rất tốt. Cô ấy nhập vai rất nhanh. Đoạn diễn ấn tượng nhất của Hana là khi cô ấy hát trong ống cống. Cảnh đó đan xen với cảnh những người lính Pháp, giữa mặt trận với khung cảnh tang thương như vậy lại cất lên một giai điệu nhẹ nhàng, qua đó thấy được tất cả mọi người chúng ta đều hướng tới một điều gì đó yên bình, một cái gì đó nhẹ nhàng êm ái hơn. Tuy nhiên đây là chiến tranh và chiến tranh bao giờ cũng khốc liệt. Đó là một cảnh tôi rất thích và thực sự xúc động”.

Rồi đây, Anastasia cũng sẽ trở về Nga hay tới những miền đất khác, nhưng Việt Nam, Điện Biên Phủ và tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay các chiến sĩ Việt Nam anh hùng xả thân vì Tổ quốc như: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn cùng bao câu chuyện khác sẽ là một phần trong hành trang của cô trong cuộc đời. Như Anastasia chia sẻ, gia đình cô đều yêu mến Việt Nam và bố mẹ cô rất tự hào vì cô đã tham gia đóng bộ phim này./.