Với mỗi người dân Việt Nam, chiến thắng vang dội của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã đi vào  lịch sử của dân tộc. Còn với những người lính năm xưa đã từng vào sinh ra tử trong chiến trường, những ngày tháng lịch sử ấy không thể nào quên, luôn là niềm tự hào cổ vũ họ ra sức cống hiến cho quê hương.

thanh_pho_son_la_sbfm.jpgMột góc thành phố Sơn La 

Năm 1968, khi  cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, anh Lù Văn Vinh ở bản Mé, Phường Chiêng Cơi, TP Sơn La đã gác bỏ việc học hành lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được điều sang nước bạn Lào tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Năm 1974, anh trở về nước hành quân vào Miền Nam tham gia chiến đấu, là chính trị viên đại đội 3 bộ binh, Tiểu đoàn 1, E 174, F B16. Tháng 3 năm 1974 là đơn vị chủ công của trung đoàn, được tăng cường đánh cầu Thọ Thạch đường 14 cách Buôn Ma Thuột hơn 10 cây số để bảo vệ, giữ được cầu Thọ Thạch không bị phá, đó là nhiệm vụ quan trọng nhất đơn vị đã hoàn thành. Ngày 13/3, đại đội về Buôn Ma Thuột truy kích địch. Đến tháng đầu tháng 4 hành quân về Sài Gòn tiếp tục tham gia trận đánh ấp chợ Củ Chi với tinh thần “Bám thắt lưng địch mà đánh”.

Cựu chiến binh Lù Văn Vinh nhớ lại những năm tháng gian khổ mà tự hào khi cùng với đồng đội tham gia các trận đánh: “Đại đội được Trung đoàn cử đánh địch, nhưng lúc đó xẻng bộ binh mình không đào được đường bê tông áp phan. Ngoài ra trực thăng và phản lực địch phát hiện thấy mình. Cả ngày pháo chùm địch đánh. Khói bom vào cổ họng đắng, khô rát không ăn được. 3 ngày liên tục phản lực địch ném từng quả một, trực thăng lượn vòng quanh. Nhưng ta đã giữ được nhiệm vụ của trên giao cho, đặc biệt là cứ điểm trung đoàn pháo của địch, những tài sản, pháo xe, hậu cần vẫn giữ được, sau đó giao cho sư đoàn”.

Ông Lù Văn Vinh hồi đó là lính bộ binh, còn cựu chiến binh Trần Minh Huấn ở tổ 8, phường Chiềng Lề, TP Sơn La là lính pháo binh. Năm 1968, cũng như bao thanh niên yêu nước, ông tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Sau khi hành quân đi chiến đấu tại cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng ( Bắc Lào ), đến tháng 12 /1974 lúc đó ông là chính trị viên trưởng C12 – D3 – E 174 – F316, ông cùng  sư đoàn hành quân gần một tháng vào Tây Nguyên đánh vào kho Mai Hắc Đế. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt đơn vị ông đã giải phóng hoàn toàn thành phố  Buôn Ma Thuột và chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Trần Minh Huấn nhớ lại: “Trận đánh ác liệt nhất là khu căn cứ Đồng Dù, Trảng Bàng của Tây Ninh. Lúc đó gần 100 xe tăng của quân Ngụy bao vây đơn vị chúng tôi, trong khi đó đơn vị của chúng tôi chỉ có 3 khẩu cối 82, 3 khẩu 12 ly 7 và 3 khẩu DKZ chống chọi với chúng. Chúng tôi chiến đấu dòng dã suốt một ngày đêm, sau đó chúng tôi cũng đã tiêu diệt được 3 xe tăng của chúng, 3 xe M 113 của quân nguỵ.  Sau đó chúng rút chạy, chúng tôi tiến vào giải phóng Sài Gòn cùng với đại quân của chúng ta vào ngày 30/4/1975”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, hai người lính ấy ra Bắc. Năm 1979 ông Lù Văn Vinh tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía bắc, đến năm 1988 ông được Nhà nước cho nghỉ chế độ với quân hàm Thiếu tá, sau đó tiếp tục tham gia công tác ở cơ sở, giữ nhiều trọng trách khác nhau, trong đó có 2 nhiệm kỳ là Chủ tịch kiêm Bí thư đảng bộ xã Chiềng Cơi, thành phố Sơn La.

 Còn ông Trần Minh Huấn sau 18 năm phục vụ trong quân đội, ông chuyển ngành về Uỷ ban thanh tra tỉnh Sơn La. Sau này về nghỉ chế độ, ông  mở văn phòng luật sư, góp phần tư vấn pháp lý cho bà con trong vùng.

Ngoài hai  ông Trần Minh Huấn và Lù Văn Vinh, trên địa bàn TP Sơn La còn hơn 130 cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Ở hoàn cảnh, cương vị nào họ vẫn luôn giữ vững quan điểm, lập trường của người chiến sỹ cách mạng.  

Ông Lưu Minh Hải, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh TP Sơn la đánh giá: “Cựu chiến binh TP Sơn La, nhất là thế hệ tham gia kháng chiến chống Pháp và các đồng chí nhập ngũ trở trước 30/4 trở về với cuộc sống đời thường tuy tuổi cao sức yếu nhưng các đồng chí thực sự là những tấm gương mẫu mực, tiêu biểu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, khuyến học và các hoạt động mà cấp uỷ chính và tổ chức Hội triển khai. Các đồng chí thực sự là những tấm gương tiêu biểu được các cấp uỷ, chính quyền các cấp ghi nhận và đánh giá là một trong những lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, chính quyền, được nhân dân tin yêu, quý mến”.

Kỷ niệm 40 năm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với niềm tự hào về Đại thắng mùa Xuân 1975, mỗi người lính năm xưa lại ra sức động viên con cháu đoàn kết, đóng góp sức lực xây dựng quê hương ngày một no ấm hơn./.