Sáng 18/9, lực lượng liên ngành của thành phố Hà Nội gồm quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, chi cục thú y, cảnh sát giao thông, cán bộ y tế tiến hành kiểm tra đột xuất các lò mổ lợn trên địa bàn thành phố, hành loạt những sai phạm đã bị của các lò mổ bị phát hiện như: không có giấy phép hành nghề, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vận chuyển lợn không đúng quy cách…  

1h30’ sáng 18/9, Đoàn kiểm tra liên ngành bắt đầu việc kiểm tra lò mổ đầu tiên ở Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Từ phía trong lò mổ, hàng chục con lợn đang được xẻ thịt. Mùi xú uế từ tiết, lông và phân lợn bốc lên đậm đặc. Mặt sàn của khu mổ hàng nghìn m2 nhày nhụa bởi bùn đất, tiết lợn, váng mỡ…

Việc giết mổ đều thực hiện trực tiếp trên các sàn bê tông không kê lên phản theo quy định, nội tạng của lợn cũng được phân loại, sơ chế tại chỗ với các dụng cụ cáu bẩn. Nhân viên trong lò mổ không một ai có bảo hộ, hầu hết chỉ đi ủng và mặc quần mưa chống bẩn. Lợn làm xong chất 5, 6 con lên xe không che đậy và cho vào hộp tôn đã được phát như quy định. Toàn bộ của lò mổ được đổ trực tiếp xuống sông Sét không qua xử lý, gây ô nhiễm cho cả khu vực dân cư xung quanh.

Lò mổ Thịnh Liệt mỗi ngày mổ khoảng 1.300 con lợn, là cơ sở giết mổ thủ công lớn nhất thành phố Hà Nội lại nằm trong khu vực nội thành. Cơ sở này cũng nhiều lần bị phạt về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Tại cơ sở giết mổ thứ 2 của bà Dương Thị Tâm, ở Đại Mỗ, Từ Liêm, dù hoạt động được nhiều năm nay nhưng không có giấy phép giết mổ. Từ Liêm có 13 cơ sở giết mổ thì 6 cơ sở hoạt động không có giấy phép và làm trên đất nông nghiêp.

Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng xảy ra tương tự tại cơ sở giết mổ Đại Hồng khu vực Phùng Khoang. Thoáng thấy bóng lực lượng kiểm tra, chủ cơ sở vội vã gọi người đi rửa thùng đựng sản phẩm gia súc, gia cầm.

Cơ sở giết mổ Vinh Anh – Phùng Khoang là cơ sở cuối cùng lực lượng liên ngành của thành phố tiến hành kiểm tra trong đêm 17/9. Đây cũng là cơ sở duy nhất đạt tiêu chuẩn. Từ thực tế hoạt động của mình, chủ cơ sở Vinh Anh cho rằng, các quy định về giết mổ, bảo quản, vận chuyển sản phẩm gia súc là hoàn toàn đúng.

Việc viện lý do của một số chủ lò mổ ở Thịnh Liệt để trốn tránh kiểm tra là không thực tế. Chủ một lò mổ cho biết: “Cho thịt vào thùng thì Sài Gòn đã áp dụng nhưng ngoài Bắc giờ mới áp dụng. Cho thịt vào thùng sạch sẽ, tuy nhiên, chở hơi vất vả vì phải bê vào thùng rồi lại bê ra nhiều lúc cũng bất tiện, mất thời gian”.

Trong khi đề án xây dựng các điểm giết mổ tập trung, công nghiệp, dần thay thế các điểm giết mổ nhỏ lẻ đã xây dựng 5 năm nay, việc tồn tại các lò mổ thủ công không đủ tiêu chuẩn giữa khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm như một thách thức.

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Các cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng của Thành phố hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu khi các cơ sở giết mổ thủ công bị đóng cửa. Thành phố Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý việc này. Ông Nguyễn Huy Tưởng nói: “Từ trước tới giờ chúng ta vẫn có kế hoạch là những đơn vị giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, ở trong nội thành sát với khu dân cư phải đóng cửa. Chúng tôi cũng chuẩn bị được một số cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung nhưng công suất hiện nay chưa khai thác hết. Chúng tôi yêu cầu quận Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Xuân đóng cửa hết các đơn vị này chứ không thể hành nghề như thế này được”.

Nhằm đưa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm vào nền nếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, ngoài việc kiểm tra trong các lò mổ, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đang tập trung kiểm tra, chấn chỉnh việc vận chuyển gia súc đã giết mổ và việc buôn bán thực phẩm tại các chợ của thành phố trong 45 ngày tới./.